Cẩn trọng hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp

Việc mua lại cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp ngoài tác dụng làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, gia tăng giá trị cho cổ đông, hoạt động này nhiều khi còn là một khoản đầu tư "một vốn, bốn lời" của do

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) đã thông qua kế hoạch bán toàn bộ gần 35,3 triệu cổ phiếu quỹ với giá bán tối thiểu là 32.650 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu trên CII mua vào trong nhiều đợt từ năm 2015 với số tiền gần 852 tỷ đồng, tương đương giá mua bình quân 24.115 đồng/cp.

Phía công ty cho biết Ban điều hành được giao tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng để thương thảo về việc bán các cổ phiếu quỹ. Nếu thành công như kế hoạch, CII sẽ bổ sung thêm thặng dư vốn cổ phần nhờ phần chênh lệch giá hơn 300 tỷ đồng.

Sôi động mua bán

Số tiền trên khi thu hồi được sau khi bán cổ phiếu sẽ cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đang bị thâm hụt gần 740 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang vì đầu tư vào dự án. CII đã vay nợ thêm 1.511 tỷ đồng từ ngân hàng và phát hành trái phiếu. Nguồn vốn thu về từ “của để dành” cổ phiếu quỹ sẽ hỗ trợ đáng kể nhu cầu vốn đầu tư của CII.

Mức giá mà CII đặt ra được xem là khá tự tin bởi cổ phiếu hiện chỉ giao dịch trên thị trường quanh 20.000 đồng/cp và duy trì xu hướng giảm rõ rệt từ tháng 4/2019 đến nay. Nhưng bù lại, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu từ CII sẽ sở hữu trọn lô lớn và không bị hạn chế chuyển nhượng.

Petrolimex (mã: PLX) cũng vừa có thông báo về việc bán thành công 2 đợt chào bán cổ phiếu quỹ, thu về gần 2.000 tỷ đồng và còn hơn 103 triệu đơn vị, tương đương 8% vốn và số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng lên gần 1,2 tỷ cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods - mã: KDF) vừa đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ , tương ứng 5,36% tổng số cổ phần lưu hành của Kido Foods với giá mua vào theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch, đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhưng không vượt quá 40.000 đồng/cp.

Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Hiện, cổ phiếu KDF đang giao dịch trên sàn chứng khoán với giá 35.000 đồng/cp, tăng 95,5% so với đầu năm.

Tại nhóm các doah nghiệp tài chính, VPBank (mã: VPB) cũng vừa có thông báo về dự kiến mua lại tối đa 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ. Hiện VPBank có gần 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, như vậy ngân hàng sẽ mua lại tối đa 245 triệu cổ phiếu quỹ.

Phương thức thực hiện qua khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4/2019. Cổ phiếu VPB mất mốc 2x từ đầu tháng 4/2019 và có lúc rơi xuống dưới 18.000 đồng/cp. Đến nay, VPB vẫn giao dịch giằng co quanh ngưỡng 19.000-19.800 đồng/cp.

VPBank là ngân hàng thứ tư muốn mua lại cổ phiếu quỹ trong năm 2019, sau HDBank (mã: HDB) và MB (mã: MBB), TPBank (mã: TPB).

Con dao hai lưỡi

Nhìn vào những doanh nghiệp bán ra nói trên có thể thấy, sau 1 thời gian nắm giữ, cổ phiếu quỹ dường như đã trở thành một khoản đầu tư quá "hời". Vừa có được lợi nhuận mà doanh nghiệp lại huy động thêm được vốn hoạt động.

Trong khi đó, việc mua vào cổ phiếu quỹ lại được giải quyết được vấn đề hỗ trợ thị giá cổ phiếu tại thời điểm đó trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ảm đạm, sự phân hoá giữa các nhóm ngành đang quá lớn.

Về phía cổ đông sẽ được hưởng lợi nhuận trực tiếp khi sức cầu từ hoạt động mua cổ phiếu quỹ sẽ giúp cổ phiếu tăng giá, các cổ đông có thể chốt lời với mức thuế suất thấp hơn cổ tức tiền mặt.

Tuy nhiên, mặt trái của hoạt động này là sẽ làm giảm một lượng tiền mặt không hề nhỏ của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp có nợ vay lớn cần phải cân đo đong đếm giữa lợi ích thu được từ việc mua lại cổ phiếu quỹ.

Thậm chí không phải mọi trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ đều mang lại lợi ích cao. Mới đây, CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà (mã: SBT) cũng vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc bán hết hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ nhằm tăng lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành và cơ cấu lại nguồn vốn công ty.

Giá bán do HĐQT quyết định nhưng đảm bảo tuân thủ quy định, và không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá được ghi trong sổ sách tại thời điểm gần nhất.

Được biết, đây là số cổ phiếu quỹ mà Thành Thành Công - Biên Hoà đã mua từ ngày 18/4 đến 17/5 với giá bình quân là 17.857 đồng/cp, tổng giá trị lô cổ phiếu khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SBT từ đầu năm đến nay đã giảm liên tục hiện chỉ còn 15.900 đồng/cp. Nếu tạm tính theo mức giá hiện tại thì Thành Thành Công - Biên Hoà sẽ ghi nhận khoản lỗ hơn 120 tỷ đồng với lô cổ phiếu quỹ này.

Trước đó, đã có trường hợp doanh nghiệp phải huỷ cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ thay vì bán ra cổ phiếu quỹ là CTCP Thuỷ sản Mekong (mã: AAM). Tại thời điểm đó, huỷ cổ phiếu quỹ là phương án khả dĩ nhất của công ty do số tiền phải chi ra để gom hơn 2,7 triệu cổ phiếu quỹ lên tới 62 tỷ đồng trong khi thị giá cổ phiếu AAM trên sàn chỉ có thể mang về cho Thuỷ sản Mekong gần 30 tỷ đồng.

Kỳ vọng về khả năng tăng giá của AAM thời điểm đó là không tưởng do hoạt động sản xuất kinh doanh của Thuỷ sản Mekong khá "èo uột".

Đặc biệt, khi một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ, giá trị tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm đi dẫn tới thu nhập/cổ phần (EPS), suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên. Đây là một dạng “thủ thuật” để làm đẹp các chỉ số tài chính mà không cần cải thiện hiệu quả hoạt động.

Nhìn chung, thông báo mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp luôn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu tăng lên, nhưng cũng có thể khiến cổ đông "ăn bánh vẽ". Do đó, cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư theo "sóng" cổ phiếu quỹ bởi suy cho cùng thì giá trị và tiềm năng tăng trưởng của một cổ phiếu vẫn phụ thuộc chính vào khả năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

>> VPBank muốn mua lại cổ phiếu quỹ

Có thể bạn quan tâm