Cắt 8 điều kiện kinh doanh xây dựng

Lĩnh vực xây dựng sẽ bỏ 8 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là điểm mới tại Dự thảo sửa đổi “Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị”.
Cắt 8 điều kiện kinh doanh xây dựng

Thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền. Ảnh: S.T

Đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ này đề xuất bãi bỏ: 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành.

Di chuyển toilet cũng phải xin giấy phép!

Dù đánh giá cao tinh thần cải cách của Bộ Xây dựng nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo vẫn còn những điểm cần phải xem xét thận trọng. Bởi vì, chỉ một “chữ” trong Luật thôi cũng tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

“Ví như về giấy phép xây dựng chẳng hạn. Chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao thì làm sao phải điều chỉnh giấy phép?”, ông Hiệp nói.

“Trong cùng một dự án, nhưng thủ tục thẩm định PCCC, thẩm định thiết kế, thẩm định về môi trường phải thực hiện ở 3 cơ quan khác nhau. Những bất cập này trong thủ tục hành chính đang làm khó doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí”. Đây là câu chuyện được bà Vũ Đặng Hải Yến, Công ty luật SMIC chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp.

Là đại diện pháp lý cho rất nhiều doanh nghiệp, bà Yến đề xuất cần thu về một cửa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo bà Yến, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan. Các cơ quan sau đó phối hợp với nhau và trả lời doanh nghiệp.

Bằng thực tế kinh doanh, ông Hiệp dẫn chứng từ chính dự án của mình. Một dự án trong đó có tới 42 nhà liền kề và có thêm 4 nhà cao 9 tầng. Nhưng theo quy định thì nhà 9 tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép.

Nhưng khi doanh nghiệp lên Sở thì Sở “chỉ” xuống Quận, về Quận thì Quận “bảo” phải lên Sở. Doanh nghiệp phải loay hoay suốt 3 tháng trời thì mới có thể hoàn thành được giấy phép cho dự án của mình. Đồng thời, người đại diện Hiệp Hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.

Giấy phép sợ “bôi trơn”

Một điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là việc sửa đổi Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác.

Theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lý bởi trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô lớn.

“Nói rằng nhà hai tầng, nhà đơn giản không cần kiểm tra hay quan tâm lắm về vấn đề chất lượng là không phải. Bây giờ những nhà này mà được miễn giấy phép thì chỉ lợi cho cai thầu, lợi cho dân chứ không lợi cho doanh nghiệp bởi có doanh nghiệp nào lại loanh quanh xây mấy cái nhà hai tầng, rẻ tiền đấy. Giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”, ông Liêm nói.

Nói thêm về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chúng ta chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép.

“Hoàn toàn không có việc kiểm tra nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến. Đáng nói là chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã “bôi trơn” cấp dưới thì công trình muốn lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe ở thành phố nọ, người ta xướng lên một cái giá và cấp phép cho từng ấy, nhưng nếu anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Như ông Mường Thanh, ông ấy vi phạm pháp luật, nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi “bôi trơn”. Tôi cho rằng, pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy”, ông Liêm nhấn mạnh.

Cùng bình luận về vấn đề giấy phép, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết, mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT-&DL thì lên tới 20 giấy phép. Quảng cáo ngoài trời rất bế tắc do Luật đất đai, xây dựng và quy hoạch quảng cáo. Nếu xét ra thì tất cả các công trình quảng cáo ngoài trời đều vi phạm pháp luật. Nhưng người ta phải làm chui, kể cả bị xử phạt, thậm chí là tháo dỡ nhưng vẫn phải làm. Các TP lớn không có quy hoạch quảng cáo nhưng cứ bắt doanh nghiệp dừng quảng cáo.

Theo Infonet

cafef.vn/cat-8-dieu-kien-kinh-doanh-xay-dung-20171 http://cafef.vn/cat-8-dieu-kien-kinh-doanh-xay-dung-20171219135414349.chn

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…