Câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó của 2 chàng trai nghèo

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố mất sớm, mẹ lại mắc bệnh nặng nên Tiến Đạt và Bá Tú đã tự lập từ nhỏ và sớm trở thành trụ cột của gia đình. Ngày ngày, hai anh em nhận đan bu gà bằng tre để trang trải cuộc sống, kiếm tiền đi học và trở thành điểm tựa vững chắc cho mẹ.

Câu chuyện về hành trình vượt khó này sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương – chủ đề “Con đường em đi”, phát sóng lúc 10h00 thứ bảy ngày 9/4 trên kênh VTV1.

Trạm yêu thương tuần này mở ra một không gian đặc biệt với bối cảnh là một khoảng sân nhà quen thuộc – nơi Tiến Đạt (sinh năm 2003) và Bá Tú (sinh năm 2005) hàng ngày mải miết làm công việc này. Hai anh em trở thành người hướng dẫn MC Minh Hằng làm miệng chiếc bu nhốt gà – sản phẩm mà cả hai coi là nguồn hi vọng và nguồn sống của gia đình mình. Câu chuyện về hai chàng trai đầy nghị lực dần được mở ra qua những lời tâm sự.

Tiến Đạt và Bá Tú sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Bố mất sớm, ba mẹ con chỉ biết nương tựa vào nhau. Thế nhưng, khó khăn càng thêm chồng chất khi mẹ của hai em - cô Trần Thị Dung mắc phải nhiều bệnh, từ u lưỡi, sau đó là u máu ở gan, u thần kinh họng và u tuyến giáp.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình, hai anh em đã luôn cố gắng học tập. Theo lời kể của thầy Hiệu trưởng trường THPT Xuân Mai: “Tiến Đạt và Bá Tú là hai học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng hai em đều rất ngoan. Suốt 12 năm học, cả hai đều thuộc top đầu của lớp về thành tích học tập”.

Cầm trên tay sản phẩm bằng tre mà mình vừa đan xong, Tiến Đạt bật mí công việc này đã gắn bó với gia đình em từ lâu, khi hai anh em còn rất nhỏ. Ba mẹ con mỗi ngày đan được 70 chiếc miệng bu, thu nhập chỉ từ 100 – 120 nghìn đồng/ngày, nhưng đó là cả một nguồn sống.

Khi được hỏi về bí quyết để đan một chiếc miệng bu gà vừa nhanh, vừa đẹp, Tiến Đạt bật mí, đó chính là nhờ sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo. Giữa rất nhiều cơ hội kiếm tiền nhưng hai anh em vẫn lựa chọn việc này: “Dù công việc này tiền công thấp nhưng giúp chúng em có thu nhập đều mà vẫn chủ động được thời gian, nhất là không ảnh hưởng đến việc học”. Xác định học tập là con đường duy nhất giúp mình có thể đổi đời, nên dù khó khăn gian khổ đến đâu, Đạt và Tú cũng không bỏ dở con đường mà mình đã chọn.

Thời điểm này, mong muốn lớn nhất của Tú là đỗ đại học. Còn Đạt, giờ đã là sinh viên trường ĐH Nông nghiệp, em mong sớm hoàn thành việc học, ra trường và trở thành một bác sĩ thú y, có đủ tiền để xây một ngôi nhà cho mẹ. Món quà từ Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp Tiến Đạt và Bá Tú trang trải cuộc sống, để đến gần hơn những mong ước giản dị và chân thật của hai anh em.

Câu chuyện về nghị lực của hai anh em Tiến Đạt và Bá Tú với nhiều cung bậc cảm xúc đang chờ khán giả khám phá trong Trạm yêu thươngCon đường em đi tại điểm hẹn quen thuộc lúc 10h00 thứ bảy ngày 9/4/2022 trên kênh VTV1.

Xem thêm

Trạm yêu thương số 3 – Hãy cứ cho đi

Trạm yêu thương số 3 – Hãy cứ cho đi

Chị Lê Thị Trâm – nhân vật của "Trạm yêu thương" chưa bao giờ nghĩ một người lao công nghèo như mình lại có ngày bị cướp và cũng không ngờ trong cuộc sống có nhiều người tốt như vậy.

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…