Chàng trai người Tày và “Hoa của đá”…

Tôi gặp chàng trai người Tày ấy vào những ngày đầu tháng 7, khi trời bắt đầu tưới xuống nhiều hơn những cơn mưa rả rích. Khi ấy, Phan Quốc Bảo – tên chàng trai, đang chuẩn bị cho chuyến đi phượt lên S

Mưa thế này sao mà đi? Tôi hỏi. Thế nhưng chàng trai ấy chỉ cười mà nói: “Con người ta luôn muốn làm những điều mà trước đây chưa từng. Em cũng vậy. Quan trọng không phải đường đi như thế nào mà cái tâm của người đi đặt vào đâu. Quan trọng không phải là đích đến bởi cái mà ta vượt qua còn giá trị hơn nhiều”.

Chàng trai ấy không đẹp, không cao chuẩn hot boy mà các bạn trẻ hay ngưỡng mộ. Nhưng sao nay tôi thấy Bảo đẹp. Có lẽ cuộc chuyện trò với chàng trai 26 tuổi vừa đầy ấy đã cho tôi thấy một con người khác của Bảo: đáng yêu, đáng mến, đáng trân trọng – một bông hoa của đá, rắn rỏi, nghị lực trước thời cuộc chênh vênh.

Bởi vì yêu nên khát vọng…

Chúng ta vẫn quá quen thuộc với các câu chuyện nghị lực, khát vọng cháy bỏng của những người có hoàn cảnh khó khăn mà vươn lên, thành công. Chúng ta cũng quen với việc thấy thương một ai đó vì cuộc đời giống mình. Nhưng cái hay nhất của cuộc đời không hoàn toàn ở câu chuyện đồng điệu mà tương ứng. Chúng ta trân trọng hơn những con người biết thương những cuộc đời bất hạnh hơn mình, biết đau khi chứng kiến những em bé chân trần chạy trong đêm đông buốt giá, biết nhìn thấy những cảnh bấp bênh ngoài xã hội mà phấn đấu thay vì lấy bản thân làm mục đích…Đó mới chính là mối đồng cảm tương lân diệu kỳ mà bao đời nay cha ông vẫn hay nhắc nhở: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khắc giống nhưng chung một giàn”.

Và Phan Quốc Bảo là chàng trai như vậy. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa đầu của tổ quốc, nơi cheo leo là những đất, đá, sỏi, cái nghèo đã trở thành “đặc sản” của vùng đất chẳng được mẹ thiên nhiên ưu ái. Thế nên, Bảo đã sống cùng với hình ảnh của em bé người Tày cơm chẳng đủ no, đứa lớn bế đứa bé ngóng trông cha mẹ cực nhọc nơi đồng ruộng về. Những mùa đông khắc nghiệt của vùng non cao, Bảo nhìn thấy những đôi chân trần tê buốt chạy trong gió rít. “Khi ấy trong lòng em cảm giác buốt nghẹn, tự dưng sống mũi cay cay tự bao giờ. Không phải em đa sầu, đa cảm, mà bởi cái hình ảnh đó nó khắc nghiệt quá đỗi, khiến em không thể nào quên được”.

Có thể Bảo may mắn hơn mấy em đó, Bảo được đến trường. Nhưng cái quý hơn ở Bảo, là sự thấu hiểu, đồng cảm mà làm nên nghị lực, làm nên khát vọng, phải trưởng thành có ý nghĩa để quay về làm giàu cho mảnh đất quê hương.

Bảo nhận quyên góp từ thiện cho đồng bào Hà Giang trong chuyến đi xuyên Việt

Tinh thần tuổi trẻ ai cũng từng. Nhưng chẳng mấy ai nghĩ xa xôi hơn là thanh xuân rực rỡ của chính mình. Còn Bảo, thanh xuân ấy là tháng ngày nung nấu ý chí “một ngày nào đó đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình”.

Khát vọng ấy cũng như mảnh đất Hà Giang này, cứng như đá, khó khăn như đá, vượt được qua nó, chắc chắn rằng sẽ vô vàn khó khăn. “Nhưng vẫn có những bông hoa mọc được trên đá, những bông hoa ấy đẹp giản dị mà rực rỡ” – Bảo nói, “nên em tin, có khát vọng và kiên cường theo đuổi khát vọng ấy, em sẽ làm được”. Cũng đúng thôi, bởi trong mắt tôi, Bảo cũng chính là bông hoa của đá.

Bởi vì khát vọng nên dám thực hiện ước mơ…

Bảo có kể lại với tôi câu chuyện bài hát “Hoa trên đá” do Bảo sáng tác. Nghe tưởng chừng như vi diệu, nhưng với một chàng trai có chút máu nghệ sĩ chảy trong huyết quản, tôi tin là sự thật. Đó là một chuyến đi phượt đầy sóng gió. Bảo bị tai nạn. Những ngày nằm điều trị, lời bài hát cứ như ai đó vẽ ra trong đầu, và Bảo chỉ việc ghi chép lại. Tôi thì nghĩ khác. Đó là tiềm thức của Bảo, những câu chữ đó vốn không xa lạ, nó hình thành từ những ngày Bảo biết cảm nghiệm cuộc sống xung quanh mình, biết tìm động lực mà bước tiếp, biết đâu là giá trị cuối cùng nên đạt được. Đến một thời điểm chín muồi, khi những kế hoạch dần hiện thành tên thành chữ, thì khi ấy, bài ca vang lên, để bắt đầu từ một điều đẹp đẽ.

Ước mơ của Bảo không phải là trở thành một doanh nhân sang giàu bậc nhất như người ta lầm tưởng qua mỗi bước chân mà chàng trai người Tày đang lần đi. Bảo thích cuộc sống giản đơn nơi quê nhà, nơi chàng ta thả mình với cây đàn ghita, an nhàn tận hưởng sự trong lành ở miền sơn cước mà chẳng nơi nào có được.

Nhưng trước khi có được cuộc sống ấy, Bảo muốn đóng góp công sức của mình thay đổi quê hương, đích xác hơn, là thay đổi cái nghèo còn hiện hữu mãi.

Với học lực khá, Bảo được gửi xuống tỉnh học, rồi sau đó thi đậu vào trường Đại học Giao Thông Vận Tải. Chàng trai của núi rừng xuống thị thành nhưng chẳng bao lâu thì hòa nhập. Bảo năng nổ trong mọi hoạt động, làm bí thư lớp, chủ nhiệm CLB ghita, thành viên Ban chấp hành Hội sinh viên… rồi thì làm thêm để tự mình trang trải cuộc sống, giúp đỡ người khác.

Năm 17 tuổi, Bảo đã nhận thấy cơ hội du lịch của tỉnh nhà. “Hà Giang là điểm đầu của Tổ Quốc, lại có lợi thế là khí hậu luôn mát mẻ quanh năm, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Cao nguyên đá Đồng Văn... nên đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, các dịch vụ như nhà nghỉ, quán hàng... vẫn đang ở hình thức bộc phát, chưa có ai quản lý”… Bảo trầm ngâm nói. Khi nói về kế hoạch tương lai, ngồi trước tôi đây không còn là chàng trai 26 nữa. Giọng điệu, dáng vẻ, và cách thức chi tiết trong từng vấn đề của Bảo giống như một người trưởng thành, một “ông chú nghiêm nghị” như giới trẻ vẫn hay nói.

"Dự án hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và khu ăn uống tại Hà Giang của Bảo được chia ra làm 5 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp và lực lượng cộng tác viên (CTV) Hà Giang. Giai đoạn 2, xây dựng quán cà phê để trở thành nơi giao lưu giới thiệu văn hoá Hà Giang. Giai đoạn 3, thành lập các đội CTV tại 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Giai đoạn 4, chuẩn hoá hệ thống khách sạn nhà nghỉ và ăn uống, xây dựng nhà nghỉ kiểu mẫu tại huyện Yên Minh. Giai đoạn 5, nhân rộng hệ thống tại các huyện khác ở Hà Giang.

Nếu như dự án thành công, sẽ là một bông hoa đẹp cho núi rừng Hà Giang, cho miền quê mang hình hài của đá.

Bắt đầu với những chênh vênh…

Để thực hiện được mục tiêu ấy, ngay từ năm đầu Đại học, Bảo lần lượt mở 2 quán cà phê mang Bảo Toọc. Quán lấy cảm hứng từ núi rừng Tây Bắc, các món ăn nhẹ hay thức uống đều được pha chế theo công thức nơi Bảo sinh ra. Đây là một cách để Bảo giới thiệu tới Hà Nội những nét văn hóa đặc sản của Hà Giang – quê hương. Tuy nhiên, do kinh nghiệm còn thiếu nên sau một thời gian đi vào hoạt động, hai quán bị thua lỗ và đóng cửa.

Thất bại là mẹ thành công, với tinh thần ấy, Bảo tìm hiểu nguyên nhân, đăng ký tham gia học lớp quản lý thời gian và nhân sự… Sang đời sinh viên năm 3, Bảo mở quán cà phê thứ ba rồi thứ tư, đến nay quán hoạt động ổn định với lượng khách ngày càng đông.

Tặng quà Tết cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Số tiền thu được từ kinh doanh cà phê, một phần trang trải cho học tập và sinh hoạt của Bảo, số còn lại được dùng trong mục đích từ thiện. Bảo thành lập Quỹ cá nhân, và dùng số tiền tích cóp được, đi đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước, chia sẻ với hoàn cảnh không được may mắn. Một hình ảnh cảm động giữa cuộc đời vốn nghiệt ngã.

Tưởng chừng như hoa đã nở nhưng không, căn bệnh nhiễm độc máu đã đưa Bảo đến cũng đau đớn, tuyệt vọng. Đã có lúc, Bảo muốn gieo mình xuống dòng sông Hồng mênh mang, để nước cuốn trôi hết những muộn phiền.

Nhưng đứng trước cửa tử, con người ta lại thấy cuộc đời đáng sống, nhất là khi “đứa con tinh thần” vẫn cần đỡ nâng. Lại thêm những khát vọng, những ước mơ còn chưa bắt đầu thực hiện mà lòng đã buông xuôi thì chẳng phải tự mình có lỗi với chính mình?

Nghĩ vậy, Bảo quay về, bảo lưu kết quả, bán bớt một quán cà phê để có kinh phí cho việc điều trị căn bệnh quái ác. Sau 6 tháng, Bảo chiến thắng, trở về, cuộc đời lại một lần nữa nở hoa từ trong đá.

Sau 3 năm thăng trầm, cùng với đội ngũ chuyên gia tư vấn và hỗ trợ, dự án của Bảo được Ban Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá rất cao, có thể nhân rộng với “Bảo Toọc café” số 1 ngõ 472 Lạc Long Quân đang là nơi giao lưu, giới thiệu văn hoá, du lịch của các dân tộc Hà Giang. Hệ thống nhà nghỉ CTV đã có mặt tại 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn vùng cao. Hiện Bảo cũng đang xây dựng nhà nghỉ kiểu mẫu tại huyện Yên Minh. Dự án còn tạo việc làm cho gần 200 cộng tác viên. Bên cạnh đó, Bảo còn tổ chức các buổi chia sẻ về khởi nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên Hà Giang; Dạy quản lý, pha chế, dạy sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc ngay tại chính quán Café của mình.

“Bông hoa ở trên đá...

Không khoe sắc màu hương.

Nhưng ý chí kiên cường.

Hoa bình dị nhưng vô thường.

Sống ở trên đá, bạn sẽ là hoa”.

Câu hát vang lên trong đầu tôi tự lúc nào, khi chàng trai trước mặt tôi nhoẻn miệng cười. Quãng đời 26 tuổi quá trẻ cho những thử thách. Nhưng chàng ấy vẫn là một bông hoa ở trên đá, kiên cường khoe sắc mà chẳng màng những ánh nắng thiêu đốt buổi ban trưa hay những cơn cuồng phong bão tố. Chỉ bởi vì chàng Phan Quốc Bảo ấy tin rằng “Sống ở trên đá, bạn sẽ là hoa”, một bông hoa “làm say lòng người”.

Có thể bạn quan tâm