Cuộc đua xây dựng trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang trở nên ngày càng sôi động khi nhiều doanh nghiệp đang nhìn thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Với sự mở đường của VinFast, một trong những cái tên tiên phong trong ngành sản xuất xe điện tại Việt Nam, thị trường trạm sạc xe điện hiện đang chớm bùng nổ.
Thời điểm này, dù số lượng các trạm sạc còn hạn chế và chưa có nhiều đơn vị phát triển quy mô lớn, nhưng điều này đồng nghĩa với cơ hội lớn cho những nhà đầu tư mới. Bên cạnh VinFast, một số tên tuổi đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm sạc.
Chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng là một yếu tố quan trọng, khi các bộ ngành đang nghiên cứu và đề xuất các chính sách về đất đai, quy hoạch, thuế phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
THÊM ÔNG LỚN THAM GIA
Mới đây, một “đại gia” nhà nước đã chính thức gia nhập cuộc đua xây dựng trạm sạc xe điện tại Việt Nam. Theo đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ khởi động dự án thí điểm hệ thống trạm sạc bằng cách hợp tác với đối tác Hàn Quốc, đặt trạm sạc đầu tiên tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội trong năm nay.
Trạm sạc này có công suất tổng cộng từ 100 đến 120kW và chi phí đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 9/2024. Sau đó, hai trạm thí điểm khác sẽ được triển khai tại Big C Thăng Long và 222 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Công ty này đặt mục tiêu mở rộng thêm 1.000 trạm trên toàn quốc vào năm 2035.
Trước đó, đầu tháng 9/2024, V-Green, công ty con của VinFast, đã công bố triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền. Với mạng lưới trạm sạc lớn nhất hiện có, V-Green sẽ hợp tác với các chủ sở hữu mặt bằng để mở rộng hệ thống trạm sạc trên toàn quốc.
Mô hình nhượng quyền này sẽ cung cấp hỗ trợ về công nghệ và quy trình quản lý, đồng thời chia sẻ doanh thu cố định cho các đối tác. Đây là một cơ hội mang lại lợi ích kinh tế cho các chủ đầu tư và còn giúp phát triển cơ sở hạ tầng xe điện tại Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng phương tiện bằng điện tại Việt Nam rất lớn, bao gồm cả xe máy điện và ô tô điện. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đến năm 2028 Việt Nam sẽ cán mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Điều này đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng trạm sạc xe điện tăng theo, thúc đẩy các hãng đầu tư và phát triển hệ thống trạm sạc.
Hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn quốc vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, với sự hiện diện khá hạn chế của các hệ thống sạc quy mô lớn. Dù đối mặt với không ít thách thức, nhưng đây lại là một thời điểm vàng để các doanh nghiệp khai thác cơ hội và đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên toàn quốc hiện có 1.500 điểm sạc đăng ký và được bố trí chủ yếu tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu. Trên các tuyến cao tốc, các điểm sạc hiện vẫn khá ít.
Dễ nhận thấy rằng, đang có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm nhà cung cấp trạm sạc xe điện. Trong khi VinFast với hệ thống trạm sạc V-Green đồng hành, các công ty khác lại tập trung vào nhiều phân khúc khác nhau. Hệ thống trạm sạc chính hãng chủ yếu phục vụ tại các đại lý và cung cấp dịch vụ sạc tại nhà cho chủ xe.
Trong khi đó, các trạm sạc công cộng do những cái tên như EV One và EverCharge phát triển đang dần hình thành. Đối với sạc tại nhà, các công ty như EverEV, GreenCharge, Star Charge và Autel đang nở rộ với nhiều lựa chọn.
LIỆU CÓ PHẢI LÀ MỘT KHOẢN ĐẦU TƯ MẠO HIỂM?
Quả thực, vấn đề trạm sạc là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất và phân phối xe điện phải giải quyết khi gia nhập thị trường Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đang hướng tới mục tiêu Net Zero và khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, nhưng nếu không có mạng lưới trạm sạc đầy đủ, việc thuyết phục người tiêu dùng mua xe điện sẽ gặp khó khăn.
Ngược lại, nếu số lượng người mua xe điện vẫn còn thấp, đầu tư vào trạm sạc sẽ trở thành một khoản chi mạo hiểm cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh việc nhìn thấy những tiềm năng của hoạt động kinh doanh hệ thống trạm sạc xe điện, chính ông lớn PV Power cũng đã cho rằng việc đầu tư vào phát triển trạm sạc xe điện vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức.
Phát triển trạm sạc xe điện yêu cầu đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chi phí khởi đầu có thể rất cao và thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài nếu doanh thu không đạt mong muốn.
PV Power nhận định, các doanh nghiệp thường phải vay vốn để đầu tư, với tỷ lệ vay có thể lên tới 70%, điều này đặc biệt rủi ro trong các lĩnh vực mới như trạm sạc. Hiện tại, chỉ VinFast đã đầu tư vào việc xây dựng trạm sạc tại Việt Nam, nhưng chỉ phục vụ xe điện của chính hãng.
Ngoài các vấn đề tài chính, việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức khác. Cũng theo PV Power, trong quá trình xây dựng trạm sạc thí điểm, đã gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án và giải quyết các thủ tục phức tạp liên quan đến đấu nối điện với EVN. Tìm vị trí lắp đặt và xác định công suất trạm sạc cũng gặp khó khăn do hạn chế về công suất điện tại các khu vực.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển xe điện, cần có hệ thống trạm sạc đa năng, hỗ trợ nhiều dòng xe và chuẩn sạc khác nhau, điều này cũng tạo ra thêm thách thức trong việc xây dựng một mạng lưới đồng bộ.
Cũng bàn về hoạt động kinh doanh trạm sạc xe điện tại Việt Nam, người anh cả VinFast đã đưa ra những kinh nghiệm của mình trong quá trình này. Thông tin từ website VinFast, việc thiết kế và triển khai trạm sạc xe điện tại Việt Nam là một quá trình không hề đơn giản và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều yếu tố.
VinFast nhận định rằng, để đảm bảo hiệu quả và sự thuận tiện, các đơn vị thực hiện cần phải tìm được không gian đủ rộng và phù hợp để lắp đặt các trụ sạc. Các bãi đậu xe công cộng ở các thành phố lớn thường là sự lựa chọn hàng đầu.
Ngoài ra, các bãi xe tại các tòa nhà văn phòng, tòa nhà cao tầng, khu dân cư, trường học, và bến xe cũng có thể là những địa điểm tiềm năng để lắp đặt trụ sạc, nhằm cung cấp thêm điện cho các phương tiện khi chúng đỗ đậu.
VinFast cũng nhấn mạnh rằng yếu tố mặt bằng là rất quan trọng. Các không gian lắp đặt cần phải bằng phẳng để đảm bảo việc lắp đặt hệ thống điện cung cấp cho các trụ sạc được thực hiện với mức chi phí thấp nhất và đáp ứng yêu cầu về mặt thẩm mỹ.
Đồng thời, VinFast khuyến cáo không nên lắp đặt trạm sạc tại những khu vực có nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện ngầm.
Thêm vào đó, hãng xe điện quốc dân cho rằng biển chỉ dẫn trong khu vực kinh doanh trạm sạc xe điện cần phải đồng bộ theo nguyên tắc chung tại tất cả các hệ thống trạm sạc. Điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ tại các trạm sạc khác nhau một cách thuận tiện.