Chủ tịch GPInvest: “2017 sẽ là năm của nhà giá rẻ”

Năm 2017, nhu cầu về nhà giá rẻ sẽ tiếp tục tăng và có thị trường tốt nhất. Đây là chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GPInvest), Chủ tịch H
Chủ tịch GPInvest: “2017 sẽ là năm của nhà giá rẻ”

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GPInvest), Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Năm 2016, nguồn cung căn hộ cao cấp tăng đột biến. Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản, căn hộ cao cấp chiếm đến 39% nguồn cung căn hộ trong năm 2016. Sang năm 2017, theo ông, thị trường căn hộ cao cấp sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo thống kê của Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản, thì thị trường bất động sản 2016, 80% là căn hộ cao cấp và trung cấp. Trong khi đó, cầu với phân khúc này chỉ 20% khiến cung cầu lệch pha.

Thực tế theo tôi được biết, ở ta vẫn chưa có tiêu chí thế nào là nhà cao cấp, hay thế nào là nhà trung bình. Chính vì thế mới có chuyện nhiều dự án cao cấp thời gian qua để bán được hàng phải chiết khấu hay dùng chiêu thức này khác trong các đợt mở bán.

Sang năm 2017, thị trường bất động sản theo tôi sẽ dần đi theo quy luật cung cầu. Nghĩa là hàng hóa làm ra phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chất lượng sẽ phải tương xứng với giá thành.

Sang năm 2017, thị trường sẽ diễn ra hiện tượng có dự án giá chỉ 20 triệu/m2 vẫn khó bán, nhưng có nhiều dự án giá đến 30 triệu đồng/m2, chủ đầu tư vẫn bán được hàng, vì họ đầu tư cho dự án nhiều tiện ích tương xứng, cảnh quan hấp dẫn…

Năm 2016, Hà Nội có những động thái “siết” quy hoạch. Là chủ doanh nghiệp bất động sản, cũng là Chủ tịch Hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ông có đánh giá gì về động thái này và động thái này sẽ tác động ra sao tới thị trường bất động sản?

Ở Việt Nam, quy hoạch có lúc chặt lúc lỏng, lúc ngược lại, nên nhiều doanh nghiệp kém nhạy bén sẽ khó chuyển hướng. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhà cao tầng trong nội đô, nếu đánh giá lợi ích toàn xã hội thì lại là quyết định hợp lý.

Trước Hà Nội có quy định 4 quận cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, là khu vực “lõi” và bị hạn chế, xem xét các quy hoạch.

Việc kiểm soát này theo tôi là hợp lý. Nhưng việc mở rộng Hà Nội sau đó, thì tận vành đai 3, theo tôi không nên giới hạn. Vì những chỗ đó sẽ làm thay đổi bộ mặt thành phố.

Vấn đề hiện nay là Hà Nội cần nói rõ hơn, khu vực nào cần phải xem xét, khu vực nào cần rà soát lại. Chứ các động thái siết quy hoạch như vừa qua, nhiều cơ quan sẽ có cảm giác như đang bị “soi”, các cơ quan cấp phép cũng sẽ chần chừ, thậm chí có dự án phải xem xét lại.

Theo kinh nghiệm của tôi, sẽ phải mất hàng năm, thì việc cấp phép tại Hà Nội mới trở lại bình thường. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nguồn cung bất động sản ra ngoài thị trường.

Năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ tham gia làm nhà giá rẻ. Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông đánh giá ra sao về thị trường nhà giá rẻ trong năm 2017?

Tại Hà Nội và đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, lượng học sinh sinh viên và người lao động ngoại tỉnh đến làm ăn có nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhưng lại chưa có nhiều tích lũy. Vì thế tôi cho rằng, năm 2017, nhu cầu về nhà giá rẻ vẫn tiếp tục tăng lên.

Ở phân khúc nhà giá rẻ, thị trường cũng sẽ phát triển lành mạnh hơn. Bởi các doanh nghiệp làm bất động sản trụ lại đến bây giờ, họ đều trở thành doanh nghiệp chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và có vốn. Việc doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nào, họ đã có sự tính toán.

Tuy nhiên, ở phân khúc nhà giá rẻ, bất chấp nhu cầu lớn, vẫn sẽ xuất hiện tình trạng một số dự án khó bán vì vị trí không thuận lợi. Bởi người mua nhà thường có tâm lý mua nhà ở vị trí tốt, dù đó là nhà giá rẻ.

Giai đoạn năm 2015 – 2016, thị trường bất động sản xuất hiện hàng loạt dự án mang tiêu chí xanh và tiết kiệm năng lượng. Xu hướng này có khả năng bùng nổ trong năm 2017 không thưa ông?

Phải khẳng định ở mình chưa có tiêu chí xanh. Việc một số dự án nói đạt chuẩn xanh, là có sự vận động, để đạt được tiêu chí phục vụ cho việc tiêu thụ dự án, chứ ở ta cũng chưa có quy chế, quy chuẩn được cơ quan Nhà nước xác nhận thế nào mới đạt tiêu chuẩn xanh.

Tuy nhiên, việc chủ đầu tư dự án vận động để được tổ chức này khác chứng nhận đủ tiêu chí xanh của doanh nghiệp là không sai. Việc một số dự án đạt tiêu chuẩn xanh được khách hàng chú ý, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục vận động để dự án được chứng nhận đạt tiêu chuẩn xanh nhằm phục vụ bán hàng.

Vì vậy, tôi cho rằng, Nhà nước cần sớm có quy định về tiêu chuẩn thế nào mới được gọi là dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Điều đó tốt cho thị trường và giúp khách hàng có cái nhìn đúng đắn hơn về các dự án tiêu chí xanh.

-   Xin cảm ơn ông!

Theo Thiều Quang/Bizlive

>> Hà Nội kiểm tra dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…