Chủ tịch LienVietPostBank: Chúng tôi đang có nhiều lợi thế trên cuộc đua số hoá

Với chiến lược đẩy mạnh mạng lưới tại khu vực nông thôn những năm qua, kết hợp với công cụ ngân hàng số, LienVietPostBank sẽ có nhiều lợi thế để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienVietPostBank
Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienVietPostBank

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ngày nay tiếp xúc dễ hơn các sản phẩm công nghệ. Đây là cơ hội rất lớn để ngân hàng tiếp cận lượng khách hàng này và phát triển ngân hàng bán lẻ.

LienViet24h là bước tiến quan trọng trong quá trình số hoá

Ông có thể chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của LienVietPostBank hiện nay?

HĐQT và Ban điều hành LienVietPostBank đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong 10 năm 2018 – 2028, trong đó đã xây dựng lộ trình số hóa tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm quy trình quản trị, hoạt động quản lý và quy trình thực hiện tất cả các nghiệp vụ từ khâu thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đến triển khai bán hàng, quản lý và kiểm soát rủi ro… 

Hiện nay, LienVietPostBank đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số - thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ số, kết hợp triển khai việc số hóa hoạt động bán hàng. Cụ thể là, sau 3 năm triển khai khá thành công Ví Việt, ngày 15/10 vừa qua, LienVietPostBank cho ra mắt ngân hàng số LienViet24h - nền tảng hợp kênh cung cấp các dịch vụ 3 trong 1: Ngân hàng số, thẻ và Ví Việt. Đây là bước tiến khá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của LienVietPostBank.

Trong 3-5 năm  tới, LienVietPostBank sẽ tiếp tục từng bước số hóa các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm cả việc số hóa các quy trình thực hiện, cùng với việc đào tạo nâng cao năng lực cho nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số

Trước đây LienVietPostBank từng đặt nhiều tâm huyết và mục tiêu lớn với Ví Việt. Lý do nào khiến ngân hàng chuyển sang phát triển LienViet24h?

Năm 2016, LienVietPostBank triển khai sản phẩm thẻ phi vật lý Ví Việt, là một ứng dụng sơ khai của ngân hàng số - ngoài việc có đầy đủ tính năng của mobile banking còn có đầy đủ tính năng của một ví điện tử. Ví Việt giúp giải được bài toán hỗ trợ người dân (đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa) dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống mà không cần phải đến ngân hàng.

Sau 3 năm phát triển Ví Việt, chúng tôi nhận thấy cần hợp nhất các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử/ngân hàng trực tuyến của LienVietPostBank trên một nền tảng hợp kênh, giúp khách hàng thống nhất trải nghiệm và dễ dàng quản lý thông tin tài khoản/thẻ của mình, nên đã cho phát triển ứng dụng ngân hàng số LienViet24h, trong đó hợp nhất các dịch vụ mobile banking, internet banking, Ví Việt và tất cả các dịch vụ liên quan đến thẻ. Với LienViet24h, khách hàng có thể giao dịch và quản lý tài khoản/thẻ của mình mọi lúc mọi nơi mà không cần đến ngân hàng.

Trên thực tế, LienViet24h là bước tiếp theo của Ví Việt và kế thừa tất cả những tính năng của Ví Việt, thêm những tính năng khác đem đến cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn, dễ dàng sử dụng hơn. 

LienViet24h có những đặc điểm nổi bật gì thưa ông?

LienViet24h có 3 ưu điểm nổi bật, thứ nhất, LienVietPostBank đã tích hợp công nghệ eKYC giúp cho việc xác thực và định danh online, khách hàng mở tài khoản ở mọi lúc, mọi nơi.

Thứ hai, công cụ tương tác Omni-Chanel giúp cho việc trải nghiệm dịch vụ hợp nhất, liên tục, nâng cao được hiệu quả chăm sóc khách hàng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng và nâng cao hiệu quả marketing cho Ngân hàng.

Thứ ba, cá nhân hóa các trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, ví dụ khách hàng có thể tự thiết kế giao diện của ứng dụng với tính năng gợi ý dịch vụ thường dùng, nên thân thiện, dễ sử dụng, phù hợp với tất cả mọi đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, LienViet24h luôn đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu khi sử dụng nhiều vòng bảo mật giúp người dùng an tâm hơn khi trải nghiệm dịch vụ. Ở góc độ công nghệ, tôi đánh giá LienViet24h xuất sắc về mặt ý tưởng, công nghệ. Khi trong tay có một công cụ tốt, cần có con người, thể chế để vận hành đẩy mạnh nó. Giống như một chiếc xe vậy, bạn có một chiếc xe rất tốt nhưng người lái không tốt thì chưa chắc bạn đã đi đến đích.

Và tôi tự tin rằng với quyết tâm của HĐQT, sự điều hành đúng đắn của Ban Tổng giám đốc và đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm của LienVietPostBank, chúng tôi sẽ làm được điều đó.

Ngân hàng có kế hoạch phát triển LienViet24h thế nào trong thời gian tới?

LienViet24h được ra mắt ngày 15/10 vừa qua với kỳ vọng sẽ giúp tăng tiện ích trong quá trình trải nghiệm của khách hàng. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Việc chuyển dịch từ trải nghiệm dịch vụ ngân hàng truyền thống sang các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cũng là xu hướng tất yếu. Theo đó, khách hàng sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ của các ngân hàng có ngân hàng số hơn so với các ngân hàng khác.

Đối với người Việt hiện nay, nếu chỉ làm ứng dụng online thì chưa đủ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bởi chỉ qua App online, họ không biết rõ anh ở đâu, là ai. Do đó, chúng tôi sẽ kết hợp offline và online. Việc kết hợp phát triển đồng thời hệ thống mạng lưới điểm giao dịch vật lý cùng với hệ thống giao dịch trực tuyến – ngân hàng số LienViet24h là mô hình phát triển ngân hàng được coi là phù hợp nhất với thị trường Việt Nam hiện nay, vừa hỗ trợ phần lớn người dân Việt Nam hiện chưa có tài khoản ngân hàng (chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu vùng xa) có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống, vừa nâng cao trải nghiệm, hỗ trợ hiệu quả những khách hàng đã có tài khoản ngân hàng, hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính, phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

LienVietPostBank định hướng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới giao dịch tới tận các huyện vùng sâu vùng xa trải rộng khắp cả nước. Đến nay, LienvietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam với 556 Chi nhánh, Phòng Giao dịch trên tất cả tỉnh, thành.

Ngân hàng số cùng hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước sẽ tạo nên sự cộng hưởng, giúp LienVietPostBank phát triển bền vững và đóng góp thêm vào kết quả kinh doanh như gia tăng số lượng khách hàng, tăng huy động món nhỏ, tăng doanh thu từ phí dịch vụ, từ đó ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của LienVietPostBank trên thị trường. LienVietPostBank đặt kế hoạch năm 2021 có thêm 600.000 khách hàng đăng ký sử dụng LienViet24h, đến năm 2025 có khoảng 5 triệu khách hàng sử dụng LienViet24h.

Bối cảnh ngày càng thuận lợi để làm ngân hàng số

Hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống đang rất sôi động. Hiện tại đã có các ngân hàng ứng dụng eKYC vào mở tài khoản và gia tăng rất nhanh lượng khách hàng mới, ở LienVietPostBank thì sao?

LienVietPostBank đã triển khai hình thức định danh điện tử eKYC từ đầu tháng 9/2020 trên cả ứng dụng Ví Việt và LienViet24h. Khách hàng sẽ dễ dàng đăng ký và định danh online chỉ sau một vài phút thao tác trên thiết bị di động có kết nối internet.

eKYC là xu hướng bắt buộc với ngành ngân hàng cũng như các ngành kinh doanh dịch vụ khác. Đại dịch Covid-19 vừa qua là thách thức nhưng cũng tạo ra những cơ hội giúp đẩy nhanh điều này.

Tất nhiên, cũng nhiều người đặt ra vấn đề eKYC có rủi ro, nhưng tôi cho rằng đó là con đường mà chúng ta phải đi qua. Có những cái vấp trên con đường đó, nhưng chúng ta sẽ vượt qua được. Việc khách hàng phải ra phòng giao dịch mới mở được tài khoản ngân hàng đã là xưa rồi. Và thực tế khách hàng cũng đang phản ứng tích cực, số người mở tài khoản tăng lên rõ rệt.

Câu nói mà dân công nghệ chúng tôi luôn nhắc đi nhắc lại là “security, security and security” tức sự an toàn là trên hết. Chúng ta luôn đề cao tính bảo mật nhưng nói như vậy không có nghĩa chặn hết tất cả. Trong quá trình đi lên chúng ta phải từ từ tương thích, điều chỉnh.  
 

Ông nhận xét thế nào về sự cạnh tranh của các fintech với ngân hàng số?

Vài chục năm về trước, General Motors hay những tập đoàn ô tô lớn đã cho ra đời các công ty tài chính. Trong tay họ nắm lượng khách hàng rất lớn, và nhiều mặt hàng nên “đẻ” ra các công ty tài chính để cho vay bán hàng. Lúc đó, các ngân hàng cũng rất sợ mất khách hàng, cạnh tranh với các công ty tài chính đó. Nhưng rồi như chúng ta thấy, họ vẫn là họ và ngân hàng vẫn phát triển.

Bây giờ cũng vậy, Fintech hay Bigtech lấn sân vào lĩnh vực ngân hàng. Họ có lợi thế của họ, đầu tiên là công nghệ, nắm lượng lớn khách hàng và có sản phẩm tốt. Nhưng ngược lại, ngân hàng cũng có lợi thế của mình, chúng ta có ý thức, chiến lược về tài chính tốt hơn, hệ thống được tổ chức từ lâu và bài bản. Chưa kể tại Việt Nam, ngân hàng càng có lợi thế rõ rệt. Dịch vụ của các Fintech hiện tại không thể đầy đủ như ngân hàng. 

Nhưng nói vậy, chúng ta vẫn phải hoàn thiện mình còn họ sẽ đi song song. Quan điểm của tôi là đại dương xanh, tức thị trường rất rộng, miếng bánh này quá lớn nên cứ làm tốt phần của mình, họ có phần của họ. 

LienVietPostBank luôn sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển và thực tế đã kết hợp với SmartPay để triển khai các hoạt động hợp tác song phương về ví điện tử, kiều hối và các dịch vụ khác. Theo đó, mỗi bên đều có thế mạnh và có thể cùng nhau tối ưu hoá lợi thế với mục đích cuối cùng đem lại lợi ích cho khách hàng. 

Ngân hàng số hay các App Payment bên cạnh việc phát triển online thì còn phải kết hợp offline. Và chúng tôi thì đang có nền tảng tốt về mạng lưới, do đó chúng tôi đi trước về lợi thế này.

Quá trình chuyển đổi số của ngân hàng gặp khó khăn gì và làm sao để khắc phục điều đó?

Theo tôi, khó khăn với không chỉ LienVietPostBank mà nhiều ngân hàng khác hiện nay là vấn đề hành lang pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt, quá trình hoàn thiện càng sớm thì càng đẩy nhanh chuyển đổi số.

Thứ hai là thói quen và tâm lý ưa dùng tiền mặt của người dân vốn đã tồn tại từ lâu đời, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hiện nay, lượng người dùng chưa có tài khoản ngân hàng còn khá lớn, đây là thách thức cần sớm được giải quyết để đẩy nhanh tiến trình phổ cập hóa tài khoản ngân hàng và tất cả đều phải có lộ trình rõ ràng.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đã khá thuận lợi khi nhận thức và thói quen của người dân đã dần thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển hành vi mua sắm qua kênh trực tuyến vì vậy các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ nói chung và ngân hàng – trung gian tài chính nói riêng sẽ phải có sự chuyển dịch tương ứng.

Đầu tiên là khẳng định vai trò của các ngân hàng. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc phổ cập hệ thống tài khoản ngân hàng thông qua phổ cập thẻ, phổ cập hệ thống thanh toán online, ứng dụng ngân hàng số…

Chúng ta cũng phải kết hợp với truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức tài chính cơ bản. Việt Nam có hơn 90 triệu người dân với tỷ lệ dân số trẻ rất cao và người Việt cũng rất ham học hỏi.

Tôi có nhiều cơ hội đến vùng nông thôn, miền núi, có thể thấy người nông dân ngày nay rất tiến bộ khi tiếp xúc các sản phẩm công nghệ. Đây là cơ hội rất lớn để tiếp cận lượng khách hàng này và cũng là lý do LienVietPostBank đẩy mạnh mạng lưới tại khu vực nông thôn. Họ là vùng đất hoang sơ để mình gieo mầm ở đó.

Chuyển sàn niêm yết – nền tảng vững chắc để tạo đà những bước tiến lớn trong tương lai

Bên cạnh việc ra mắt ngân hàng số mới, ngân hàng cũng đang có bước ngoặt quan trọng là chuyển cổ phiếu giao dịch sang HoSE. Việc niêm yết này sẽ mang lại những gì cho ngân hàng?

Niêm yết cổ phiếu là bước đi tất yếu của tất cả các công ty đại chúng có mục tiêu phát triển bền vững và mạnh mẽ. Chúng tôi chủ động hoàn tất các thủ tục niêm yết cổ phiếu trước hết nhằm mục tiêu công khai, minh bạch hơn nữa thông tin của ngân hàng trước cổ đông và các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn, nâng cao thanh khoản của cổ phiếu.

Việc LienVietPostBank được chấp thuận niêm yết cổ phiểu trên HOSE cho thấy ngân hàng đã đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý Nhà nước về quản trị, điều hành ngân hàng. Khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE, ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, minh bạch và hướng tới các chuẩn mực quốc tế cao hơn nữa. Đây chính là nền tảng vững chắc để tạo đà cho ngân hàng có những bước tiến lớn trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE sẽ giúp ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận được với các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường vốn để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trong tương lai một cách chủ động, hiệu quả, nâng cao uy tín, củng cố thêm vị thế của ngân hàng trên thị trường…

Sau khi lên sàn, ngân hàng có dự định tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài?

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 đã thông qua kế hoạch điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài. Việc lựa chọn thời điểm phát hành, đối tượng phát hành cũng như các vấn đề chi tiết khác để thực hiện phương án này đã được ĐHĐCĐ giao cho HĐQT quyết định trên cơ sở đảm bảo đợt phát hành được thành công, đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông và ngân hàng.

Thời gian vừa qua, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài liên hệ với LienVietPostBank bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đầu tư vào cổ phiếu LPB. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang thận trọng để chọn ra đối tác phù hợp. Ngoài yếu tố tài chính thì vấn đề nữa là mình sẽ cùng đi với cổ đông chiến lược lâu dài, họ sẽ còn hỗ trợ mình về quản trị hay những điểm mà họ tiên tiến hơn.

Chúng tôi vẫn đang cân nhắc, đánh giá một cách toàn diện trước khi tiến hành trao đổi, gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm thích hợp.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...