Chủ tịch PV Power: Nguồn cung tại khu vực Đông Nam Bộ không đủ cấp cho tất cả các nhà máy điện khí

Trong buổi họp cổ đông mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã có nhiều chia sẻ liên quan đến lộ trình đưa điện khí LNG vào sử dụng trong thời gian tới...

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của PV Power
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của PV Power

Ngày 23/5, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power - mã chứng khoán: POW) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tại đại hội, giải đáp thắc mắc về điện khí LNG của các cổ đông, ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PV Power cho biết, các nguồn khí tại khu vực Đông Nam Bộ không đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy điện khí.

"Các nguồn khí này đang trên đà suy giảm rất nhanh. Do các vấn đề khách quan, liên quan tới chính trị nên việc tìm kiếm nguồn khí bù đắp rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc sử dụng LNG để bù đắp cho các nguồn khí này trong thời gian tới là điều tất nhiên, điều tất yếu", ông Quang đánh giá.

Hiện tại, PV Power, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đối tác khác đang xây dựng lộ trình sửa đổi sử dụng LNG như một nguồn khí mới trên cơ sở nhu cầu về phụ tải của EVN và dự báo nguồn cấp khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Vì đang trong quá trình thực hiện, thông tin về việc xây dựng lộ trình chuyển đổi và các cơ chế chính sách vẫn chưa ban hành nên chưa thể cung cấp chi tiết cho cổ đông. Điều này còn phụ thuộc vào lộ trình khai thác và khả năng phát hiện của PVN.

Về giá điện, PC, nhiên liệu, dự án điện LNG là một chuỗi phải đồng bộ với nhà máy, hệ thống truyền tải điện. PV Power đang làm việc để thống nhất các phương thức đảm bảo đưa vào vận hành.

Về truyền tải điện, các vướng mắc liên quan tới đất đai để xây dựng trụ truyền tải điện đã được tháo gỡ. Hợp đồng mua bán điện (PPA), chiều ngày 22/5, tổ đàm phán giữa PV Power và EVN đã thống nhất lần cuối cùng để trình lên các cấp phê duyệt.

Giá khí nhập theo thị trường, giá than cũng theo thị trường. Giá nhiên liệu đầu vào không quyết định điểm hoà vốn. Tiền nhiên liệu do EVN trả, PV Power chỉ quan tâm giá công suất EVN trả cho một số điện là bao nhiêu. Vấn đề này đã đám phán xong sau một thời gian dài.

Một vấn đề khác khiến cổ đông chú ý là PV Power quyết định không chia cổ tức năm 2023 và 2024. Do vậy, cổ đông đã có ý kiến thắc mắc về việc chia cổ tức từ những khoản lợi nhuận chưa phân phối. Đồng thời, cổ đông đánh giá, những năm trước công ty chỉ trả 2-3% cổ tức, đây là mức quá thấp và không xứng đáng với một công ty đầu ngành,

Trả lời cho vấn đề này, Chủ tịch Hoàng Văn Quang cho biết, các cổ đông quan tâm cổ tức là điều tất nhiên. Trong năm 2024, PV Power chưa có phương án chia cổ tức do giai đoạn 2020 - 2025 đang triển khai dự án lớn, đặc biệt là Nhơn Trạch 3 và 4.

Trong đó, dự kiến vốn chủ là 7.750 tỷ đồng. Từ năm 2023 đến nay, cổ phẩn hóa đâu đó chỉ được 4.000 tỷ đồng nên đang thiếu vốn chủ đầu tư.

Đồng thời, do giai đoạn Covid-19 và tăng trưởng kinh tế chậm nên hoạt động bị giảm, thiếu hụt dòng tiền đầu tư. Để phục vụ đầu tư, PV Power sẽ tăng vốn. Hiện, công ty đang xây dựng kế hoạch trình công ty mẹ PVN và Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước phương án phát hành cổ phiếu bằng tiền và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Liên quan đến kết quả công tác sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc Lê Như Linh cho biết, tổng sản lượng điện của các nhà máy là 14,4 tỷ kWh, đạt 93% kế hoạch. Sản lượng điện bình quân khoảng 40 triệu kWh/ngày, tương đương 40% công suất. Ngày cao nhất đạt được 64 triệu kWh và thấp nhất là 10 triệu kWh.

Theo ông Linh, PV Power mất 7% để thực hiện kế hoạch. Thực tế năm 2023 có thể đẩy được sản lượng tăng lên để đạt kế hoạch nhưng phải trả giá rất lớn về chỉ tiêu lợi nhuận, bởi phần tăng thêm sẽ gây lỗ lớn. Do vậy, công ty quyết định vận hành theo cách linh hoạt với mục tiêu quan trọng nhất là chỉ tiêu lợi nhuận.

Về doanh thu, tổng công ty đạt 29.075 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.442 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch.

Năm 2024, công ty đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 16,7 tỷ kWh. Kế hoạch doanh thu là 31.736 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 995 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 824 tỷ đồng.

Đánh giá về mục tiêu năm 2024 của PV Power, ông Phạm Tuấn Anh, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng kế hoạch sản lượng trên rất tham vọng.

Ông Tuấn Anh mong muốn PV Power tiếp tục vận hành an toàn, ổn định và nâng cao tính khả dụng của các nhà máy điện để sẵn sàng trong mọi tình huống, bảo đảm điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tập trung thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa như công tác cung cấp than, công tác cung cấp khí…

Về đầu tư, tập trung triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Hiện tại đang là giai đoạn nước rút, rất quan trọng nên cần tập trung cao độ. Công ty cần thu xếp vốn, thu hồi vốn, thực hiện dự án theo đúng tiến độ và an toàn vệ sinh môi trường

Về tài chính, tập trung quan tâm về thu hồi công nợ, đặc biệt là công nợ có hạn, quản trị dòng tiền hợp lý. Bám sát thị trường điện để điều hành linh hoạt, bảo đảm cung cấp điện theo huy động cấp có thẩm quyền, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Xem thêm

Bài toán giá điện LNG vẫn chưa có cách giải

Ngành điện khí LNG đau đầu vì bài toán giá

Phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Chỉ còn 7 năm nữa để thực hiện quy hoạch điện VIII nhưng bài toán giá cả vẫn là một nút thắt khó tháo gỡ…

Có thể bạn quan tâm