Chưa có "lối đi" cho cư dân phố cà phê đường tàu?

Ứng xử với phố cà phê đường tàu tại Chắn 5 Trần Phú, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp lâu dài, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội cho rằng cần cấm tuyệt đối còn người dân liên tục gửi đơn kiến nghị và đề xuất giải pháp phát triển hài hòa.
Chưa có "lối đi" cho cư dân phố cà phê đường tàu?

Nổi lên là một địa chỉ thu hút khách nước ngoài bởi sự mới lạ và có phần mạo hiểm, sau một thời gian nổi tiếng đã có 2 luồng quan điểm xung quanh phố cà phê đường tàu dân tại Chắn 5 Trần Phú. Thứ nhất là cần xóa bỏ vì vấn đề an toàn, thứ 2 là xây dựng giải pháp để vừa đảm bảo an toàn vừa phát triển du lịch.

Chưa có quyết định chính thức từ cơ quan chức năng

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia giao Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại Chắn 5 Trần Phú theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng trên nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân.

Chỉ đạo của Văn phòng Chính Phủ
Chỉ đạo của Văn phòng Chính Phủ

Trước đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của Hà Nội đã và đang diễn biến phức tạp như: người dân và du khách hiếu kỳ (đặc biệt là người nước ngoài) tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Bên cạnh đó, các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc theo đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các khu vực này.

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đề nghị khẩn trương giải tán các tụ điểm chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt chạy qua các quận nội thành Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, lực lượng chức năng tại thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu tại khu vực Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phùng Hưng, đến nay, phố cà phê đường tàu vẫn chưa hoạt động trở lại.

Lối đi nào cho cư dân phố cà phê đường tàu?

Sau lệnh cấm, các hộ kinh doanh phố cà phê đường tàu, trong đó các các hộ dân tại Chắn 5 Trần Phú có gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về việc sẽ đảm bảo an toàn đường sắt, lắp camera, loa cảnh báo, barie chắn lối đi sang đường tàu bằng inox..... để được kinh doanh trở lại.

Người dân cho rằng, hoạt động kinh doanh này là đà để phát triển du lịch, thu hút du khách nước ngoài, kéo theo đó là kinh tế của người dân phát triển. Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội nên xem xét, xử lý vụ việc một cách thấu tình, đạt lý, có thể cho phép kinh doanh trong giới hạn an toàn.

Về việc di dời, người dân tại đây cho rằng: “Quận Hoàn Kiếm cũng phát biểu về Đề xuất di dân giải tỏa khu vực này. Điều này làm nhân dân càng lo lắng vì không chỉ mất kế sinh nhai mà ngay cả nơi sinh sống cũng có thể bị giải tỏa sau nhiều năm chờ đợi các dự án treo không thực hiện của chính quyền. Chúng tôi, từ những ông bà cao tuổi gần đất xa trời, sáng tối tìm đến bệnh viện, cho đến những đứa trẻ thơ cần được học tập, sinh hoạt ổn định, không biết sẽ đi đâu về đâu. Nếu nơi sinh sống hơn 60 năm qua bị giải tỏa thì quyền lợi của những người dân ở khu “nhà không số, phố không tên”, “không có sổ đỏ”, “không có tên trong địa giới hành chính” sẽ như thế nào?:.

Đơn kêu cứu lần 2 của các hộ dân tại Chắn 5 Trần Phú
Đơn kêu cứu lần 2 của các hộ dân tại Chắn 5 Trần Phú

Giá như chính quyền có một văn bản quy củ, rõ ràng, có cả thời hạn chốt đến bao giờ thì có lẽ rất nhiều du khách sẽ không hiểu nhầm. Những hình ảnh đó gây mất thiện cảm, và còn là lời chào kém văn minh của Hà Nội với du khách lặn lội đến đây. Đơn thư của người dân nêu.

Câu hỏi thường xuyên của du khách với chúng tôi là “tại sao lại cấm”, “bao giờ bỏ cấm”, “các bạn làm gì bây giờ”. Người dân nêu trong đơn kiến nghị.

Có lẽ cái mà người dân chờ đợi bây giờ chính là phương án chính thức từ cơ quan quản lý để ổn định cuộc sống, không phải thấp thỏm chờ đợi khi đã bỏ ra không ít tiền bạc, công sức để phố cà phê đường tàu thu hút và nổi tiếng đến như vậy.

Hai dự án ngành đường sắt vẫn chạy trên giấy

Năm 1987, Nhà nước có chính sách cải tạo và mở rộng khổ đường sắt từ 1.035mm lên 1.435mm. Những lần đo vẽ, kiểm đếm tài sản, công trình rầm rộ... Các gia đình hồ hởi, 3 lần ký vào các biên bản đo vẽ hiện trạng với tâm thế sẽ có nơi ở mới, sạch hơn, đẹp hơn và không còn phải chịu định kiến xã hội về 1 khu ổ chuột, khu tệ nạn... Nhưng sau đó, mọi việc lại yên ắng và hiện vẫn chưa có thông tin gì về dự án trên.

Đến năm 2004, có 1 dự án lại được đề ra, chạy qua khu dân cư này mang tên "Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi". Cư dân xóm đường tàu lại vỡ òa hạnh phúc vì có cơ hội thay đổi cuộc sống…

Cư dân thấp thỏm chờ đến ngày được bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để di chuyển đến khu tái định cư, mà theo giới thiệu của cán bộ dự án là ở khu Xuân La, Xuân Đỉnh. Người dân ở đây lại tiếp tục ký vào biên bản đo vẽ hiện trạng rồi chờ đợi... Tuy nhiên, dự án trên đến nay vẫn nằm trên giấy đã được 15 năm.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...