Theo nhiều chuyên gia, hiện nay thị trường bất động sản có sự tăng giá bất thường, đặc biệt ở phân khúc chung cư. Mới đây, đại diện Bộ Xây dựng đã xác nhận thị trường bất động sản tại một số nơi có tình trạng bị đẩy giá.
CÓ SỰ ĐẨY GIÁ
Tại buổi họp báo quý 1/2024 của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì giá bán trung bình một số dự án tại thành phố Hà Nội và TP.HCM dao động khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2.
Cụ thể, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại).
Bên cạnh đó, trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao. Theo đó, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019 .
Mặc dù giá nhà ở tăng cao, nhưng lượng giao dịch lại không tăng theo chỉ đạt. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hải nhận xét, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm và bằng 81,51% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, chỉ có khoảng 35.853 giao dịch thành công. Thậm chí, một số chung cư có giá tăng đột biến rất ít giao dịch và gần như không phát sinh giao dịch.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng thừa nhận thị trường tại một số nơi có tình trạng bị đẩy giá. Hơn nữa, thị trường không chỉ thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm bất động sản còn chưa hợp lý. Chung cư cao cấp chiếm tỷ lệ cao trong khi đó nhà ở bình dân, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp còn ít.
Để giải quyết vấn đề nguồn cung của thị trường, ông Hải cho rằng, cần xác định rõ 5 điểm nghẽn từ thể chế, nguồn vốn, thông tin… Trong thời gian tới, khi các Luật sửa đổi có hiệu lực các điểm nghẽn trên sẽ tháo gỡ, thúc đẩy nguồn cung.
Lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, và có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất, vật liệu xây dựng… và có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác.
Chia sẻ tại một diễn đàn cách đây không lâu, vị Cục trưởng nhận định, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn từ giữa năm 2022 cho đến tận thời điểm hiện tại.
Sự vận hành thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua vẫn nằm trong một tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển. Trên thực tế vận động của thị trường không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.
NHẬN SỨC HÚT TỪ NHU CẦU THỰC
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2024, theo đó, thị trường căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn.
Giá bán trung bình một số dự án tại Hà Nội và TP.HCM dao động khoảng 50 - 70 triệu/m2. Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư rao bán ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019.
Tại TP.HCM trong quý 1/2024, trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ chung cư có xu hướng tăng so với quý trước và tăng nhiều ở một số quận, huyện như quận 7, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận.
Một số tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Vinh giá bán dao động khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2.
Đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự, liền kề, đất nền trong dự án, trong quý 1/2024, nhu cầu tìm kiếm nhà ở riêng lẻ, đất nền đã tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Giá bán tại Hà Nội được giao dịch tăng khoảng từ 5 - 15% so với cuối năm 2023, dao động trong khoảng từ 80 - 220 triệu đồng/m2 và tại TP.HCM giá bán dao động trong khoảng từ 90 - 250 triệu đồng/m2.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, nguồn cung về biệt thự, liền kề ở Hà Nội có 2.977 căn từ 13 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó, Đông Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34% nguồn cung tương lai, theo sau là Hà Đông với 19% và Hoài Đức với 16%.
Trong quý này, nguồn cung mới biệt thự, liền kề tăng 7% theo quý và 221% theo năm, nguồn cung sơ cấp biệt thự liền kề đạt 665 căn từ 16 dự án, giảm 6% theo quý và 12% theo năm, biệt thự là loại hình chiếm ưu thế với 41% nguồn cung sơ cấp.
Ở TP.HCM, thị trường biệt thự, nhà liền kề quý I/2024 không có nhiều biến động tích cực về mặt tình hình hoạt động. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường chỉ ở mức 20 – 30%, không có sự thay đổi đáng kể so với quý trước.
Đáng chú ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.
CHỈ ĐẠO GỠ KHÓ
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh bền vững Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Đối với các Bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Cùng với đó, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ làm việc trực tiếp cùng các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm…
Còn các địa phương phải tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả và tập trung xử lý theo thẩm quyền cũng như chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Đồng thời, tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Theo đó, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành.
Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động, thực hiện dự án.