Chung cư liên tục tăng giá, người dân khó mua nhà

Trong khi thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn đến pháp lý, thì phân khúc chung cư lại tiếp tục cán các mốc giá mới…

bat-mi-cach-xem-huong-nha-chung-cu-dem-lai-tai-loc-1587594309.jpg
Những tháng qua, giá nhà chung cư tăng liên tục

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá nhà tăng liên tục trong những tháng qua bởi nguồn cung căn hộ ra thị trường chưa nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Cùng với đó, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình, tâm lý người dân muốn chuyển đến những chỗ có sự an toàn cao hơn.

CẦU CAO, CUNG ÍT

Đã tìm mua nhà từ hồi đầu năm, anh Mai Khang (35 tuổi, Hà Nội) mới chốt mua được 1 căn chung cư 2 phòng ngủ, rộng khoảng 52m2 tại khu đô thị FLC Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Giá căn chung cư này là 1,85 tỷ đồng, tính theo m2 mức giá rơi vào 35 triệu đồng/m2.

Anh cho biết, qua thời gian tìm hiểu để mua nhà, giá các căn chung cư có đầy đủ pháp lý thường xuyên được cập nhật giá. Ví dụ như căn chung cư anh Khang vừa mua đã lên hơn 100 triệu đồng so với thời điểm rao bán từ hồi tháng 2.

“Lưỡng lự đến bây giờ mới dám mua, vì tôi so giá nhiều khu khác rồi, hầu như những điểm tôi xem từ hồi đầu năm, không ít thì nhiều nó vẫn tăng giá. Về khu này vừa gần nhà mà giá tiền lại hợp ví, nên tôi bàn vợ mua luôn căn này”, anh Khang chia sẻ.

Chung-cu-FLC-Garden-City-02.jpg
Phối cảnh dự án FLC Đại Mỗ

Chưa thuận lợi như gia đình anh Khang, chị Nhung (30 tuổi, Hà Nội) đang chật vật tìm mua nhà. Hiện cả gia đình chị gồm chồng và 1 bé trai 5 tuổi đang sống tại căn chung cư mini, nhưng sau vụ cháy thương tâm tại chung cư mini ở Khương Hạ, cả chồng và chị đều ám ảnh và muốn mua một căn nhà mới, an toàn hơn chỗ thuê.

Kiểm tra khoản tiết kiệm và ngỏ ý vay mượn thêm từ người thân, 2 vợ chồng chị Nhung cầm trong tay hơn 1,5 tỷ đồng, để đi mua nhà. “Đến bây giờ vợ chồng tôi vẫn chưa tìm được căn nào, chắc phải bỏ thời gian tìm thêm. Những căn vừa tiền thì vướng cấp sổ, thậm chí là không có sổ, còn những căn ưng ý giá lại khá cao, nên cũng rất đau đầu”, chị Nhung tâm sự.

Chia sẻ về vấn đề giá nhà chung cư, anh Nguyễn Văn Trường (40 tuổi) là một môi giới chung cư tại quận Hoàng Mai cho biết, ở khu vực anh đang phụ trách giá chung cư có xu hướng tăng, đa phần tăng từ 1 – 5 triệu đồng/m2. Mặc dù mức giá có tăng, nhưng nhu cầu mua nhà thực của người dân vẫn lớn.

“Mỗi ngày tôi vẫn đón từ 4 – 5 gia đình xem nhà, tháng vừa rồi tôi cũng vừa chốt được mấy hợp đồng, chứ không khó khăn như hồi đầu năm nữa. Thời gian tới, tôi nghĩ giá nhà vẫn sẽ tăng do nhu cầu vẫn còn lớn, trong khi đó, phân khúc nhà giá rẻ trên thị trường còn thiếu rất nhiều”, anh Trường bộc bạch.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý 2/ 2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.

Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng gần như có không biến động và không có dự án mới. Giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư đạt khoảng 47,5 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, mặc dù giá căn hộ chung cư tại Hà Nội được cho là đang ở mức cao, tuy nhiên theo khảo sát thì trong quý 2 giá vẫn tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Mức giá tăng cao nhất là ở các dự án thuộc quận Tây Hồ và khu vực xung quanh, số lượng dự án chung cư mới mở bán ở khu vực này rất hiếm và đều có mức giá khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2.

Các dự án căn hộ trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công, Lạc Long Quân… đều tăng giá mạnh so với giá gốc và tăng khoảng 1% đến 3% so với quý trước.

2023-08-04_151828.jpg
Nguồn: Bộ Xây dựng

Tại TP.HCM, các dự án căn hộ đang phát triển, có đầy đủ pháp lý gần như độc quyền để chào hàng khi thị trường không có nhiều nguồn cung mới trong quý. Đây là lý do dù khó khăn, thị trường ảm đạm nhưng giá căn hộ vẫn tăng khoảng 2% đến 3% so với quý trước tại một số dự án.

GỠ VƯỚNG PHÁP LÝ ĐỂ NHANH CHÓNG TĂNG CUNG

Tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản”, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, và có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất, vật liệu xây dựng… và có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác.

Có thể thấy, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn từ giữa năm 2022 cho đến tận thời điểm hiện tại. Sự vận hành thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua vẫn nằm trong một tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển.

Vị Cục trưởng cho rằng, trên thực tế vận động của thị trường không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, sức mua thanh khoản giảm mạnh cũng làm gia tăng thêm khó khăn. Cụ thể, nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

onghai1.jpg
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Điển hình nhất là căn hộ chung cư liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng đầu tư của các tầng lớp người dân tương ứng.

Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, tại tọa đàm "Mua nhà để ở: Bây giờ hay đợi thêm?", TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng nguyên nhân lớn nhất về sự khó khăn của thị trường bất động sản bao nhiêu năm nay là vấn đề pháp lý.

Theo TS. Khương, một mình Bộ Xây dựng không thể giải quyết được, trong khi quy hoạch và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện có biên độ rất lớn. Bên cạnh đó, còn hiện hữu chuyện không có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và Nhà nước cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

nha-chung-cu-16629517441581660227438.jpg
Phối cảnh một dự án chung cư

"Chúng ta đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn tới bàn lui nhưng vẫn chưa giải quyết được. Điều đó dẫn đến doanh nghiệp khổ, người dân khổ. Ai cũng biết vấn đề nguồn cung ít thì giá nhà cao, nhưng tại sao cung ít. Đây là vấn đề cần nhiều cơ quan nhà nước chung tay giải quyết, nếu không sẽ cứ bàn hoài và làm khó nhau", vị Tiến sĩ nêu ý kiến.

Ngoài vấn đề về giá, TS. Sử Ngọc Khương còn cho rằng, thu nhập và tích lũy của người dân cũng là vấn đề cần bàn. Cụ thể, nếu người dân có đủ tiền và lãi suất tốt thì họ sẽ mua nhà ngay. Nhưng họ sẽ phải liệu đến tính ổn định của công việc để còn trả lãi ngân hàng.

"Chẳng hạn hiện nay thu nhập một cặp vợ chồng trẻ chừng 30 triệu nên mua căn nhà 2 tỷ là một vấn đề lớn, bởi họ không biết công việc có ổn định trong thời gian dài hay không", ông Khương chia sẻ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm