Kết thúc phiên 20/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 64,19 điểm (-0,17%) xuống 38,56,80 điểm, S&P 500 mất 30,06 điểm (-0,60%) còn 4.975,51 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 144,87 điểm (-0,92%) thành 15.630,78 điểm.
Chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc S&P 500 tăng 1,13%, ngành tăng duy nhất trong 11 lĩnh vực chính, trong khi công nghệ thông tin hoạt động kém nhất, giảm 1,27%.
Cổ phiếu Walmart đóng cửa ở mức cao kỷ lục và là cổ phiếu có thành quả tốt nhất trên chỉ số Dow Industrials sau khi “gã khổng lồ” bán lẻ Mỹ dự báo doanh thu năm tài chính 2025 cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Phố Wall và tăng cổ tức hàng năm lên 9%.
Nhà sản xuất TV thông minh Vizio leo 16,26% khi Walmart cho biết họ sẽ mua lại công ty này với giá 2,3 tỷ USD.
Discover Financial Services tăng 12,61% nhờ công bố kế hoạch mua lại công ty thẻ tín dụng này của ngân hàng tiêu dùng Capital One được Warren Buffett hậu thuẫn trong một thương vụ trị giá 35,3 tỷ USD. Cổ phiếu Capital One nhích thêm 0,12%.
Ngược lại, nhà thiết kế chip Nvidia lại trượt giảm 4,35%, chứng kiến mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 17/10/2023, từ đó tác động khiến chỉ số bán dẫn Philadelphia giảm 1,56% khi nhiều cổ phiếu chip nối đà mất điểm.
Các nhà đầu tư hiện lo ngại rằng liệu kết quả hàng quý của Nvidia có phù hợp với mức định giá đắt đỏ của nó hay không.
Các khoản đặt cược của giới đầu tư theo cơn sốt AI đã giúp Nvidia trở thành công ty có giá trị thứ ba của Mỹ và gần đây thậm chí đã thay thế Tesla để trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất ở Phố Wall.
“Tôi tin là Nvidia đang được định giá ở mức phù hợp, bất kể ai có nói gì đi nữa thì nhà đầu tư đều sẽ kiếm được lợi nhuận từ cổ phiếu Nvidia”, Ken Polcari, đối tác quản lý tại Kace Capital Advisors nhận định.
Cổ phiếu của Super Micro Computer, vốn tăng mạnh trong những tuần gần đây nhờ hưởng lợi từ làn sóng AI, đã giảm 1,96% vào 20/2. Đây cũng là ngày giảm thứ hai liên tiếp sau khi lao dốc 20% vào 16/2 sau chín phiên giao dịch thuận lợi.
Vào tuần trước Phố Wall đã chứng kiến nhiều biến động do dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Việc cắt giảm lãi suất dự kiến diễn ra vào tháng 6, theo ý kiến của phần lớn các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters, những người cũng cảnh báo nguy cơ Fed có thể trì hoãn thêm nữa.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đón biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed cũng như nhận xét từ hàng loạt quan chức ngân hàng trung ương vào cuối tuần này.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,67 tỷ cổ phiếu, tương đương với mức trung bình 11,64 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận mức thấp hơn vào 20/2 với những lo lắng về nhu cầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,22 USD, tương đương 1,5%, xuống 82,34 USD/thùng. Mức chênh lệch giá dầu Brent trong 6 tháng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10, một dấu hiệu cho thấy thị trường thắt chặt hơn.
Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 4 giảm 1,30 USD, tương đương 1,4%, xuống còn 77,04 USD/thùng.
Bất chấp xung đột ở Trung Đông, một trong những khu vực sản xuất dầu lớn của thế giới, các nhà đầu tư dường như đang cảm thấy lo lắng hơn về nhu cầu toàn cầu suy giảm.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC cho biết: “Việc thị trường dầu thô không phản ứng tích cực hơn cho thấy vấn đề sâu sắc về nhu cầu dầu yếu kém ở Trung Quốc”.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 thấp hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với kỳ vọng của tổ chức OPEC. Cụ thể, IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,22 triệu thùng/ngày trong năm nay trong khi dự báo tăng trưởng của OPEC là 2,25 triệu thùng/ngày.