Kết thúc phiên 21/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,13% lên 38.612,24 điểm, S&P 500 nhích 0,13% và đóng cửa ở mức 4.981,80 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,32% xuống 15.580,87 điểm.
Gần như tất cả 11 lĩnh vực S&P chính đều tăng nhẹ, chỉ duy nhất có ngành công nghệ là thấp hơn với mức giảm 0,76%. Cổ phiếu năng lượng dẫn đầu mức tăng với 1,86%.
Sau tiếng chuông đóng cửa, cổ phiếu Nvidia phục hồi 6% khi dự báo doanh thu quý đầu tiên của năm tài chính 2024 cao hơn ước tính nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các loại chip thống trị thị trường trí tuệ nhân tạo (AI). Trong phiên, cổ phiếu Nvidia đã giảm 2,85%, bổ sung thêm vào mức giảm hơn 4% của ngày hôm trước.
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Nvidia đã leo gần 40%, trở thành cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên S&P 500 sau khi tăng tới 240% vào năm 2023.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng mức định giá cao ngất ngưởng của Nvidia có thể khiến cổ phiếu dễ bị lao dốc nếu công ty đưa ra bất cứ một báo cáo nào thiếu ấn tượng.
Jason Ware, giám đốc đầu tư của Albion Financial Group cho biết: “Các diễn biến vừa qua được thúc đẩy bởi sự phấn khích và nhiệt tình xung quanh AI và tất nhiên “đứa con cưng” được yêu thích nhất hiện nay là Nvidia. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang nhìn Nvidia với một chút lo lắng, các nhà đầu tư cần được thấy tận mắt một báo cáo lạc quan từ người dẫn đầu trong lĩnh vực này”.
Ở các động thái riêng lẻ khác, Amazon.com tăng điểm khi công ty chuẩn bị gia nhập chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vào tuần tới, thay thế cho Walgreens Boots Alliance, công ty vốn đang chứng kiến cổ phiếu sụt giảm.
Palo Alto Networks mất 28,44% sau khi công ty an ninh mạng đưa ra dự báo doanh thu quý 3 thấp hơn ước tính của nhà phân tích. Cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành khác như Fortinet, Zscaler và Crowdstrike Holdings cũng yếu hơn.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,5 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Về khía cạnh kinh tế, biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều lo ngại về rủi ro cắt giảm lãi suất quá sớm, với sự không chắc chắn về việc liệu chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu. Nói thêm về điều này, chủ tịch Fed khu vực Richmond Thomas Barkin lưu ý rằng dữ liệu lạm phát tháng 1 đang làm phức tạp thêm các quyết định lãi suất sắp tới.
Hiện tại, thị trường đặt cược vào khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau tháng 6.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 1% vào 21/2 khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở Trung Đông và các nhà giao dịch đánh giá các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 69 cent, tương đương 0,8%, lên 83,03 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ thêm 87 cent, tương đương 1,1%, đạt 77,91 USD/thùng.
Trong nhiều tháng qua, giá dầu giao ngay đã có mức chênh lệch rất cao so với giá đang được giao dịch ở thị trường tương lai, một cấu trúc còn có tên gọi là bù hoãn bán và được coi là dấu hiệu của một thị trường có nguồn cung thắt chặt.
Một lý do khác thúc đẩy giá dầu tăng trong ngày, đó là việc các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang có dấu hiệu hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì và giảm năng suất xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, những lo ngại về việc hạ lãi suất của Mỹ có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán đã đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu. Dữ liệu lạm phát tháng 1/2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy lùi kỳ vọng về khả năng sắp xảy ra chu kỳ nới lỏng của Fed.