Phố Wall trượt dốc khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng sớm cắt giảm lãi suất

Chứng khoán Mỹ mất điểm vào 16/2 sau khi dữ liệu giá sản xuất nóng hơn dự kiến làm suy giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sớm cắt giảm lãi suất…

Phố Wall trượt dốc khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng sớm cắt giảm lãi suất

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 149,48 điểm (-0,39%) xuống 38.623,64 điểm, S&P 500 trượt 24,18 điểm (-0,49%) và đóng cửa ở mức 5.005,15 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 132,38 điểm (-0,83%) còn 15.775,65 điểm.

Hầu hết các cổ phiếu megacap (vốn hoá lớn) đều giảm, với Meta Platforms mất 2,2% và kéo chỉ số dịch vụ truyền thông thuộc S&P 500 giảm 1,56%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, DoorDash giảm 8,1% do công ty giao hàng dự báo chỉ số lợi nhuận hàng quý thấp hơn kỳ vọng, phần lớn bị ảnh hưởng bởi chi phí lao động cao hơn.

Công ty phát hành trực tuyến Roku lao dốc 23,8% sau khi dự báo khoản lỗ quý đầu tiên lớn hơn ước tính của các nhà phân tích.

Trong khi đó, Applied Materials bật tăng 6,4% khi nhà cung cấp thiết bị bán dẫn dự báo doanh thu quý 2 tốt hơn mong đợi nhờ nhu cầu mạnh mẽ về chip tiên tiến sử dụng trong AI.

Vulcan Materials cũng thêm 5,2% nhờ dự báo lợi nhuận cả năm cao hơn, hỗ trợ chỉ số ngành vật liệu S&P 500 tăng điểm.

Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase Global chứng kiến đà tăng 8,8% khi công bố lợi nhuận hàng quý đầu tiên kể từ năm 2021.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,18 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,65 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, một báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất cao hơn dự kiến trong tháng 1/2024, làm dấy lên lo ngại lạm phát đang tăng trở lại sau nhiều tháng hạ nhiệt.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau báo cáo này khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed có thể trì hoãn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên cho đến sau tháng Sáu. Vào đầu tuần này, báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán, trong khi đó, dữ liệu về doanh số bán lẻ tháng 1 sụt giảm, được báo vào 15/2, lại làm dấy lên hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm.

Carol Schleif, giám đốc đầu tư tại văn phòng gia đình BMO cho biết: “Dữ liệu lạm phát trong tuần này chắc chắn sẽ khiến Fed phải tạm ngừng ý định cắt giảm lãi suất cho đến sớm nhất mùa hè”.

Bình luận về chủ đề này, chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic lưu ý rằng ông cần thêm bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt, nhưng vẫn sẵn sàng hạ lãi suất vào một thời điểm nào đó trong vài tháng tới. Chủ tịch Fed khu vực San Francisco Mary Daly lại cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo giá cả ổn định, bất chấp những tiến bộ đáng chú ý trong thời gian qua.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao vào 16/2 do lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã lấn át dự báo về nhu cầu chậm lại từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 61 cent, tương đương 0,74% ở mức 83,47 USD/thùng. Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 3 tăng 1,16 USD, tương đương 1,49%, lên mức 79,19 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu Brent tăng hơn 1% và giá WTI tăng khoảng 3%.

Những lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông, nơi chiếm 1/3 sản lượng dầu toàn cầu, vẫn là trọng tâm của thị trường. Các nỗi quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong khu vực đã đẩy giá dầu lên cao hơn và bù đắp cho những lo lắng về môi trường lãi suất cao kéo dài ở Mỹ đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

IEA vào đầu tuần này đã đưa ra báo cáo tình hình nhu cầu dầu toàn cầu đang chậm lại. Tổ chức này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng dầu toàn cầu năm 2024 từ mức 1,24 triệu thùng/ngày xuống 1,22 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, dự báo nguồn cung lại cao hơn vào năm 2024 trong bối cảnh sản lượng của Mỹ tăng kỷ lục dù cho các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC miễn cưỡng thực hiện cắt giảm nguồn cung sâu. IEA dự kiến nguồn cung sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024, hơn hẳn so với dự báo trước đó là 1,5 triệu thùng/ngày.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm