Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, giá dầu bật tăng 3%

Ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm vào 7/10 khi các nhà giao dịch hạ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất và lo ngại xung đột Trung Đông sẽ tác động tới giá dầu…

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones giảm 398,51 điểm (-0,94%) thành 41.954,24 điểm, S&P 500 mất 55,13 điểm (-0,96%) còn 5.695,94 điểm và Nasdaq Composite trượt 213,94 điểm (-1,18%) xuống 17.923,90 điểm.

Chỉ số Biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng 3,4 lên 22,64 điểm. Đây là mức tăng một ngày lớn nhất trong hơn một tháng và mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên 8/8.

Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, chỉ có duy nhất năng lượng tăng điểm ở mức 0,4%. Lĩnh vực tụt hậu nhất là tiện ích, giảm 2,3%. Tiếp theo là dịch vụ viễn thông, chịu áp lực từ đà giảm của cổ phiếu Alphabet (-2,5%).

“Gánh nặng” lớn nhất đối với S&P 500 là Apple, giảm 2,3% sau khi Jefferies đưa ra đánh giá "giữ" (Hold) đối với cổ phiếu này. Amazon.com cũng mất 3% khi Wells Fargo hạ cấp đánh giá.

Trong số những cổ phiếu có mức tăng lớn nhất của chỉ số chuẩn là Generac Holdings, nhảy vọt 8,52% vì các nhà đầu tư đặt cược lớn vào nhu cầu mạnh mẽ đối với máy phát điện dự phòng do tình hình thời tiết sắp tới.

Cổ phiếu của Pfizer tăng 2% sau các báo cáo cho thấy nhà đầu tư chủ động Starboard Value đã mua lại khoảng 1 tỷ USD cổ phần trong công ty dược phẩm này.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,39 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,06 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, sau báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến vào thứ Sáu tuần trước, các nhà giao dịch đã hạ bớt hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào tháng 11. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đặt cược 86% khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm và khoảng 14% khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không cắt giảm lãi suất.

Những thay đổi trong kỳ vọng về lãi suất đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên vượt quá mốc 4% trong hai tháng trở lại đây.

“Diễn biến bi quan trên thị trường ngày hôm nay là sự kết hợp của nhiều yếu tố: báo cáo việc làm, thiệt hại do bão, giá năng lượng tăng cao và những bình luận tiêu cực về một số cổ phiếu công nghệ lớn. Thêm vào đó là tin tức về Google đã đẩy mạnh xu hướng bán tháo vào cuối phiên”, Michael James, giám đốc điều hành giao dịch cổ phiếu tại Wedbush Securities nhận xét.

Ông James cũng chỉ ra rằng xung đột Trung Đông hiện vẫn mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư Mỹ, những người lo lắng về tác động tiêu cực đối với kinh tế, bao gồm việc giá dầu tăng cao.

Thị trường hiện đang hướng tới dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cho tháng 9 và báo cáo thu nhập quý ba từ các ngân hàng hàng đầu. Tất cả đều sẽ được công bố trong tuần này.

GIÁ DẦU TĂNG MẠNH

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng vọt hơn 3% sau khi lo ngại về một cuộc chiến toàn khu vực Trung Đông tiếp tục gia tăng. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,88 USD, tương đương 3,7%, lên 80,93 USD/thùng. Giá WTI của Mỹ tăng 2,76 USD, tương đương 3,7%, lên 77,14 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng hơn 8% và WTI tăng hơn 9%, mức tăng lớn nhất trong hơn một năm. Nếu Israel quyết định trả đũa bằng việc nhắm vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Tehran, giá dầu có thể tăng thêm từ 3 đến 5 USD/thùng, theo ông Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates.

Tuy nhiên, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital lại cảnh báo rằng nếu Israel quyết định không tấn công thì giá dầu sẽ sớm hạ nhiệt từ 5 đến 7 USD/ thùng.

“Trên thực tế, cho đến một tuần trước, tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta sẽ thử nghiệm mức thấp 60 USD/thùng do nhu cầu còn yếu. Tôi cũng tin rằng OPEC có đủ năng lực cung ứng dự phòng để bù đắp cho bất kỳ sự gián đoạn nào đối với xuất khẩu của Iran”, Brent Belote, nhà sáng lập quỹ đầu cơ tập trung vào hàng hóa Cayler Capital cho biết.

Có thể bạn quan tâm