Chỉ số Dow Jones giảm 245,25 điểm, tương đương 0,72%, xuống 34.053,87, S&P 500 giảm 20,88 điểm, tương đương 0,47%, xuống 4.388,71 và Nasdaq Composite giảm 22,28 điểm, tương đương 0,16%, xuống 13.667,29 điểm.
Cả ba chỉ số chính của Mỹ đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ nhưng thoát khỏi mức thấp nhất trong phiên, với các công ty lớn về dầu mỏ như Exxon Mobil Corp (- 2,29%) và Chevron Corp (-2,28%) gây áp lực lên S&P 500 và Dow Jones.
Đợt bán tháo trên diện rộng diễn ra sau chuỗi tuần tăng điểm dài nhất của Nasdaq kể từ tháng 3/2019 và chuỗi tăng dài nhất của S&P 500 kể từ tháng 11/2021.
Ông Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth (Mỹ) cho biết: “Thị trường đang cố gắng kiểm tra xem những mức tăng gần đây liệu có tiếp tục hay không. Thị trường vốn vận hành theo chu kỳ và đợt phục hồi gần đây nhất đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên”.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, ngoại trừ cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu, tất cả đều kết thúc ở mức âm. Trong đó, cổ phiếu năng lượng chịu mức giảm phần trăm lớn nhất, là 2,3% do các dấu hiệu nhu cầu của Trung Quốc suy yếu khiến giá dầu thô trượt dốc. Nhà nghiên cứu dầu cấp cao của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Kinh tế của CNPC Wang Lining dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 3,5% lên 740 triệu tấn vào năm 2023, thấp hơn so với dự báo trước đó là 5,1%.
Các lĩnh vực giá trị khác của thị trường như tài chính cũng chìm trong sắc đỏ khi Goldman Sachs Group Inc mất 2% sau khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu hơn.
Trong khi đó sự chao đảo trong lĩnh vực công nghệ xảy ra khi một số nhà giao dịch ở Phố Wall kêu gọi chốt lời hơn nữa trong lĩnh vực này, hiện đang được đánh giá ở vùng “quá mua” (overbought).
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, Rivian Automotive Inc và Tesla Inc lần lượt tăng 5,5% và 5,3% sau khi Rivian thông báo áp dụng tiêu chuẩn sạc của Teslavào năm 2024.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Tập đoàn Alibaba giảm 4,5% khi công ty thương mại điện tử này thông báo ông Daniel Zhang sẽ từ chức Giám đốc điều hành và Chủ tịch để tập trung vào đơn vị đám mây.
Adobe Inc đã mất 1,9% do một số báo cáo cho rằng các cơ quan quản lý chống độc quyền của châu Âu đang chuẩn bị điều tra thỏa thuận mua lại nền tảng thiết kế dựa trên đám mấy Figma của công ty.
Nike giảm 3,6% sau khi Morgan Stanley dự đoán áp lực ký quỹ phát sinh từ tình trạng dư thừa hàng tồn kho của công ty.
Cổ phiếu của Fedex Corp trượt gần 5% trong giao dịch mở rộng khi công ty báo cáo kết quả hàng quý.
Ở khía cạnh kinh tế, các nhà đầu tư hiện đang trông ngóng phiên điều trần kéo dài hai ngày của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trước Quốc hội, bắt đầu với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào 21/6. Ủy ban sẽ có những đánh giá kỹ lưỡng để tìm thêm manh mối về ý định cũng như thời gian ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện nay.
“Quả thật mà nói, tôi cho rằng Fed đã không cho những đợt tăng lãi suất trước đây nhiều thời gian để có tác động thực sự đến nền kinh tế. Tôi không biết Fed thấy điều gì mà tất cả chúng ta không thấy. Lạm phát không còn quá cao như trước đây, chúng ta có thể thấy điều đó ở các cửa hàng tạp hóa, chúng ta có thể thấy điều đó ở các trạm xăng”, ông Robert Pavlik của Dakota Wealth nhận xét.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu suy yếu vào phiên sáng 21/6, kéo dài đà giảm sang ngày thứ ba liên tiếp do đồng USD mạnh lên nhờ sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ, khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,3%, xuống 75,69 USD/thùng và dầu thô WTI của Mỹ giảm 14 cent, tương đương 0,2%, ở mức 71,06 USD/thùng.
Thị trường vẫn lo ngại về sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Tìm cách thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc hôm 20/6 đã thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) lần đầu tiên sau 10 tháng, với mức giảm 0,1 điểm phần trăm.