Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau các dữ liệu tâm lý người tiêu dùng đáng thất vọng

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 12/5, chịu ảnh hưởng bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn suy yếu và dữ liệu mới cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 8,89 điểm, tương đương 0,03%, xuống 33.300,62 điểm; S&P 500 mất 6,54 điểm, tương đương 0,16%, còn 4.124,08 điểm; và Nasdaq Composite giảm 43,76 điểm, tương đương 0,35%, xuống 12.284,74 điểm. 

Chỉ số Dow Jones tiếp tục suy giảm trong phiên thứ năm liên tiếp, chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số blue-chip trong hai tháng. 

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,1%, S&P 500 giảm 0,3% và Nasdaq tăng 0,4%.

Lĩnh vực tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu của S&P 500 là những lĩnh vực dẫn đầu, cả hai đều tăng 0,4%. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ giảm 0,2%, chỉ số hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 0,9%.

Cổ phiếu của Apple Inc và Amazon.com Inc, cùng với Tesla, là ba trong số những lực cản lớn nhất đối với S&P 500. Nhưng nhìn chung, chỉ số công nghệ vẫn tăng khoảng 22% trong năm nay.

Cổ phiếu của Tesla Inc đã giảm 2,3% sau khi tăng hơn 2% vào một ngày trước đó khi CEO Elon Musk thông báo đã tìm được giám đốc điều hành mới cho Twitter. Sau đó, ông Musk chia sẻ trên Twitter rằng người được bổ nhiệm là cựu giám đốc quảng cáo của NBCUniversal, bà Linda Yaccarino.

Trong ngành ngân hàng khu vực, tiếp nối đà giảm của ngày hôm trước sau tin tức liên quan đến tiền gửi, PacWest mất 2,9%, PNC giảm khoảng 1% và Zions Bancorporation đóng cửa thấp hơn 1,1%.

Trong số những cổ phiếu tăng giá trong phiên 12/5, cổ phiếu của News Corp tăng 8,5% do doanh thu của tập đoàn truyền thông vượt qua ước tính của Phố Wall về lợi nhuận quý 3/2022. Cổ phiếu của First Solar Inc cũng tăng tốc 26,5% khi nhà sản xuất pin mặt trời mua lại công ty công nghệ pin mặt trời màng mỏng Evolar AB của Thụy Điển.

S&P 500 đã công bố 19 mức cao mới trong 52 tuần và 15 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 60 mức cao mới và 239 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,33 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình cả phiên là 10,65 tỷ trong 20 ngày giao dịch qua.

Ở các tin tức kinh tế, kết quả sơ bộ về chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan (Mỹ) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 57,7 điểm. 

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones kỳ vọng chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 5 là 63 điểm. Cuộc khảo sát cũng cho thấy triển vọng lạm phát trong 5 năm tới tăng lên 3,2%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Mới đây, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc tới việc Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, bên cạnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI), dữ liệu giá bán buôn yếu hơn dự kiến là một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát giảm bớt, nhưng chưa thể trấn an các nhà đầu tư trước tình hình suy thoái đang diễn ra. 

Trong cùng ngày, Cục Thống kê Lao động Mỹ tiết lộ, chỉ số giá nhập khẩu tăng 0,4% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng đầu tiên từ đầu năm đến nay.

Các nhà đầu tư Phố Wall cũng đang để mắt đến Washington khi lo ngại xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ vẫn tiếp diễn. Cuộc họp về trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội được ấn định vào thứ Sáu đã bị hoãn lại sang tuần sau. 

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết Mỹ sẽ phải đối mặt với rủi ro đáng kể khi không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán trong vòng hai tuần đầu tiên của tháng 6 mà không tăng trần nợ.

Có thể bạn quan tâm