Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, giá dầu chạm mốc cao nhất trong 2 tuần

Các chỉ số chính của Phố Wall kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba với đà tăng nhẹ với điểm nhấn từ cổ phiếu Coca-Cola và apple...

Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Dow Jones tăng 0,28% lên 44.593,65 điểm, S&P 500 nhích nhẹ 0,03% thành 6.068,50 điểm, còn Nasdaq lại giảm 0,36% xuống 19.643,86 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành ngành thuộc S&P 500, có 8 chỉ số tăng điểm, dẫn đầu là tiêu dùng thiết yếu với mức tăng 0,91%, tiếp theo là năng lượng tăng 0,76%. Lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu giảm 1,2%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Coca-Cola tăng 4,7% nhờ doanh thu quý 4/2024 vượt dự báo, nhờ vào giá bán cao hơn và nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm nước ngọt và nước ép.

Apple cũng thêm 2,2% sau tin tức công ty đang hợp tác với Alibaba để phát triển và triển khai các tính năng trí tuệ nhân tạo dành cho người dùng iPhone tại Trung Quốc.

Cổ phiếu Phillips 66 leo 4,7% khi quỹ đầu tư Elliott Investment Management cho biết họ đã mua hơn 2,5 tỷ USD cổ phần tại công ty lọc dầu này.

Ngược lại, cổ phiếu Tesla lao dốc 6,3% sau thông tin về việc tỷ phú Elon Musk dẫn đầu một nhóm đầu tư đưa ra đề nghị mua lại OpenAI với giá 97 tỷ USD.

Fidelity National Information Services mất hơn 11% do dự báo lợi nhuận quý 1/2025 thấp hơn kỳ vọng.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,4 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 14,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ vào ngày 11/2. Ngay từ phần mở đầu của bài phát biểu, ông Powell khẳng định rằng ngân hàng trung ương không vội vàng trong việc cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa trong cuộc họp tới do nền kinh tế vẫn đang vững mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát vẫn đang cao hơn mục tiêu 2%.

Theo dữ liệu từ LSEG, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm ít nhất một lần 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, dự kiến là vào giai đoạn tháng 6.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 dự kiến được công bố ngay trước khi ông Powell tham dự phiên điều trần thứ hai với Hạ viện Mỹ vào ngày 12/2.

Hiện tại, giới đầu tư cũng đang tập trung dõi theo các động thái mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan sau khi ông áp thuế 25% đối với nhôm, thép nhập khẩu và đồng thời tuyên bố sẽ sớm có thông báo về biện pháp thuế đối ứng đối với tất cả quốc gia áp thuế lên hàng hoá Mỹ.

GIÁ DẦU TĂNG MẠNH

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng lên mốc cao nhất trong hai tuần sau khi các lệnh trừng phạt Iran và Nga đã làm dấy lên lo ngại lớn về nguồn cung.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,13 USD, tương đương 1,5%, lên 77,00 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,00 USD, tương đương 1,4%, chốt ở mức 73,32 USD/thùng.

Cả hai loại dầu thô đều tăng giá trong phiên thứ ba liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 28/1.

"Với việc Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu dầu của Iran và các lệnh trừng phạt vẫn đang tác động mạnh đến dòng chảy dầu từ Nga, giá dầu thô ở Châu Á sẽ duy trì ở mức cao”, nhà phân tích dầu mỏ John Evans của PVM nhận định. Bởi lẽ, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các tàu chở dầu, nhà sản xuất và công ty bảo hiểm đã gây gián đoạn đáng kể hoạt động vận chuyển dầu của Nga đến các khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với các mạng lưới vận chuyển dầu của Iran sang Trung Quốc, sau khi Tổng thống Donald Trump khôi phục chiến lược gây áp lực tối đa lên Iran vào tuần trước.

Ngoài ra, nguy cơ xung đột tái bùng phát ở Trung Đông cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại về nguồn cung.

Có thể bạn quan tâm