Chứng khoán ngày 10/2, mở đầu phiên giao dịch tuần mới với sắc đỏ bao trùm trên cả ba sàn, khi áp lực bán mạnh xuất hiện tại nhiều nhóm cổ phiếu trụ cột. VN-Index giảm 11,94 điểm (-0,94%) xuống còn 1.263,26 điểm, với thanh khoản đạt 18.878 tỷ đồng, tương đương hơn 794 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Số mã giảm điểm áp đảo với 355 mã, trong khi chỉ có 119 mã tăng giá và 56 mã đứng tham chiếu. VN30-Index cũng không thoát khỏi xu hướng tiêu cực khi mất 9,92 điểm (-0,74%) xuống 1.330,88 điểm, với 16 mã giảm điểm và chỉ 9 mã giữ được sắc xanh.
Trên sàn HNX, HNX-Index lùi về mức 227,97 điểm sau khi giảm 1,52 điểm (-0,66%), với khối lượng giao dịch đạt hơn 62 triệu cổ phiếu, tương ứng 964 tỷ đồng. Số lượng mã giảm điểm trên sàn này lên tới 91 mã so với 89 mã tăng giá.
UPCoM-Index cũng chung cảnh ngộ khi mất 0,60 điểm (-0,62%) xuống 96,63 điểm, với thanh khoản đạt 1.190,21 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 157 mã giảm, 141 mã tăng giá và 90 mã đứng giá.
Diễn biến tiêu cực của thị trường hôm nay chịu tác động lớn từ nhóm cổ phiếu trụ, trong đó HPG là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất khi giảm mạnh 1.250 đồng (-4,69%), khiến VN-Index mất 1,84 điểm. Tiếp theo là FPT với mức giảm 4.100 đồng (-2,81%), lấy đi 1,42 điểm từ chỉ số chung.
Cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh khi VCB giảm 800 đồng (-0,86%), tác động tiêu cực 1,07 điểm. VHM cũng lao dốc 950 đồng (-2,45%), khiến VN-Index giảm thêm 0,92 điểm, trong khi CTG mất 500 đồng (-1,23%), kéo lùi chỉ số thêm 0,64 điểm.
Dù thị trường chìm trong sắc đỏ, một số cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng, góp phần kìm hãm đà giảm sâu của VN-Index. STB dẫn đầu nhóm cổ phiếu tác động tích cực khi tăng 1.000 đồng (+2,67%), đóng góp 0,47 điểm vào chỉ số chung. MSN cũng duy trì được sắc xanh với mức tăng 1.100 đồng (+1,62%), giúp VN-Index có thêm 0,39 điểm. Ngoài ra, BCM, MBB và PLX cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, lần lượt đóng góp 0,23 điểm, 0,22 điểm và 0,17 điểm vào chỉ số chính.
Nhóm cổ phiếu hóa chất giảm mạnh 1,88% với sự điều chỉnh của hàng loạt mã lớn như DGC mất 3,15%, GVR lùi 2,04%, DCM giảm 1,59%, trong khi CSV chỉ giảm nhẹ 0,23%. Tài nguyên cơ bản cũng chịu áp lực bán mạnh với mức giảm 1,18%, trong đó HPG mất 4,69%, HSG giảm 4,52%, NKG lùi 3,57% và SMC giảm tới 6,8%. Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi của nhóm này là KSV tăng 9,01% và MSR bật tăng 8,22%.
Nhóm xây dựng và vật liệu cũng không thoát khỏi xu hướng giảm khi mất 1,13%, với nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán lớn như CTR giảm 3,49%, PC1 lùi 3,13%, NHA giảm 3,74%, trong khi một số mã vẫn giữ được sắc xanh như LBM tăng 6,91% và CII nhích nhẹ 0,69%.
Nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp là một trong những nhóm giảm sâu nhất khi mất tới 3,03%, hàng loạt cổ phiếu lao dốc như PHP giảm 9,02%, SGP mất 8,64%, VTP giảm 6,98%, trong khi các mã lớn như GEX, ACV, GMD cũng đồng loạt giảm hơn 2%.
Nhóm hàng cá nhân và gia dụng điều chỉnh mạnh với mức giảm 2,06%, khi các cổ phiếu như GIL giảm 6,44%, PNJ mất 2,56%, TCM giảm 2,67%, VGT lùi 4,29%. Nhóm bán lẻ cũng mất 1,94%, với MWG giảm 2,55%, DGW lùi 2,06%, trong khi FRT tăng nhẹ 0,11%. Đáng chú ý, nhóm viễn thông lao dốc mạnh nhất thị trường với mức giảm lên tới 5,09%, với áp lực đến từ VGI giảm 5,4%, TTN giảm 4,8%, FOX mất 3,2%, ABC lùi 1,5%.
Ngược lại, nhóm bảo hiểm trở thành điểm sáng hiếm hoi khi tăng 1,15%, dẫn đầu là BVH tăng 1,54%. Nhóm dầu khí cũng duy trì sắc xanh với mức tăng 0,47%, khi OIL tăng 1,58%, PLX nhích 1,38%, PVB tăng 3,35%.
![Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua anh-chup-man-hinh-2025-02-10-luc-193755.png](https://cdn.thuonggiaonline.vn/images/4b7596a58df1a839a97e18a7fb31f7ba86ac608c160633bbd950fa2b8f01e8229ca817500ea48e4523c50e385c796dad44093d522a27e3245554fcc8a5821ace307586b05b28a9a7f5cf527628f5e5b6/anh-chup-man-hinh-2025-02-10-luc-193755.png)
Tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt
Chứng khoán AIS
Sau bốn phiên tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index xuất hiện phiên điều chỉnh mạnh với áp lực bán diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, chính thức lấp lại gap tăng điểm được hình thành ngày 05/2.
Thanh khoản bùng nổ (cao nhất trong vòng 2 tháng gần đây) cho thấy sự rũ bỏ mạnh mẽ. Kỳ vọng thị trường sẽ cân bằng trở lại quanh khu vực 1.250-1.260 điểm khi đây là vùng hợp lưu của nhiều đường xu thế quan trọng.
Chúng tôi đánh giá biên độ của nhịp điều chỉnh là không cao, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị chịu ảnh hưởng bởi áp lực bán ngắn. Mặt khác, chủ động cơ cấu các cổ phiếu đã vi phạm quy tắc nắm giữ trong danh mục đầu tư hoặc đã cho tín hiệu bán.
Kiên trì nắm giữ danh mục
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Về xu hướng, phiên giảm hôm nay tác động khá mạnh và khả năng lớn sẽ làm đà tăng trước đó bị chững lại. Đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, xuyên thủng Gap tăng giá 1.265-1.266 điểm trước đó với thanh khoản bùng nổ nên quán tính giảm điểm có thể tiếp diễn trong phiên tới.
Dù vậy, chúng tôi cho rằng xu hướng tích cực trước đó vẫn chưa bị bẻ gãy nên tiếp tục quan điểm kiên trì nắm giữ danh mục.
Vị thế mua tăng thêm tỷ trọng ở ngưỡng hỗ trợ quanh 1.265 điểm chưa mang lại lợi thế nên tạm thời chúng ta hạn chế việc mua thêm. Ngưỡng hỗ trợ 1.255 điểm sẽ giúp VN-Index bật tăng trở lại theo kỳ vọng của chúng tôi trong phiên tới.
Duy trì những mã giữ được xu hướng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Tâm lý chung đang thận trọng hơn do những tin tức về việc áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong bối cảnh rủi ro rung lắc vẫn còn hiện hữu, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh.
Đồng thời, cơ cấu danh mục đối với những mã điều chỉnh mạnh khi thị trường có nhịp hồi phục trong phiên. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì đối với những mã giữ được xu hướng và không có tín hiệu dòng tiền rút ra.
Vẫn có không ít các mã riêng lẻ duy trì được xu hướng tăng tích cực
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau những phiên tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co của VN-Index, sự xuất hiện của một phiên phân phối khối lượng lớn với mẫu nến thân đặc đỏ dài giảm về cuối phiên, xóa bỏ hoàn toàn số điểm đạt được của các phiên trước đó, có thể cảnh báo cho sự hình thành của vùng đỉnh ngắn hạn.
Diễn biến này phần nào cho thấy sự chưa ổn định của các nhịp biến động ngắn hạn, khi mà về tổng thể, chỉ số vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang chủ đạo.
Mặc dù vậy, trong các nhịp đi ngang, vẫn có không ít các mã cổ phiếu riêng lẻ duy trì được xu hướng tăng tích cực và đây sẽ là nhóm giúp hãm lại đà giảm của thị trường.
Thị trường chứng khoán trong nước sẽ có thể điều chỉnh
Chứng khoán Asean
Pha điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh vĩ mô có phần tiêu cực khi Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ công bố thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia, đồng thời cũng trong tuần này sẽ thông báo thuế quan đối ứng lên những quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trong đó, nhóm ngành thép sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu sắt thép lớn thứ 5 vào Mỹ. Đáp trả với hành động này, Trung Quốc đã chính thức áp thuế lên khoảng 14 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, đây có thể là bước xác nhận khởi điểm của cuộc chiến tranh thương mại thứ hai.
Theo đó, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ có thể điều chỉnh và tiếp tục rung lắc trong thời gian tới cho đến khi các động thái liên quan đến thuế quan dần hạ nhiệt.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.