Chuyên gia bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật 2018

Cơn sốt đất đặc khu kinh tế, cháy chung cư, hội nghị bất động sản quốc tế, vốn đầu tư tư nhân, sai phạm Thủ Thiêm… là những sự kiện nổi bật nhất năm 2018 trong lĩnh vực bất động sản.
Chuyên gia bình chọn 10 sự kiện bất động sản nổi bật 2018

Các chuyên gia đã đánh giá thị trường BĐS năm 2018 đi vào phát triển ổn định và lành mạnh

Tại hội thảo “Nhìn lại thị trường bất động sản 2018 và dự báo kịch bản thị trường 2019” chiều 23/12, các chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá, nhận định lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) năm qua.

Nhìn lại năm 2018, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế đã đánh giá 2018 là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan, vĩ mô được kiểm soát ổn định và cũng có kinh nghiệm kiểm soát bất động sản cũng tốt hơn. Trong ổn định vĩ mô có phần đóng góp quan trọng của bất động sản. Thị trường BĐS năm 2018 đã có diễn biến thăng trầm thu hút sự quan tâm của nhà làm chính sách, giới đầu tư, người dân...

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã cùng bàn bạc, bình chọn 10 sự kiện nổi bật liên quan đến thị trường bất động sản năm 2018.

1- Hội nghị quốc tế về bất động sản đầu tiên tại Việt Nam

2- “Bong bóng” sốt đất tại các vùng dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn và Cam Ranh, sau đó đã “xẹp” xuống khi Luật đặc khu kinh tế không được thông qua ở kỳ họp Quốc hội năm 2018

3- Có 28 địa phương cam kết xây dựng Thành phố thông minh

4- Hà Nội và Tp HCM hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng ở trung tâm

5- Vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) đã khiến cho 13 người thiệt mạng, từ đây vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy ở các chung cư trên cả nước được đặt ra gay gắt

6- Phân khúc sản phẩm văn phòng lên ngôi với các sản phẩm office-tel

7- Bảo lãnh cho người mua nhà 

8- Điểm nóng khu đô thị Thủ Thiêm 

9- Điểm nóng đầu tư tại các khu công nghiệp 

10 - Vốn đầu tư tư nhân, FDI vào bất động sản vẫn tăng rất mạnh trong năm 2018, giúp cho tồn kho bất động sản giảm xuống đáy trong nhiều năm (còn khoảng 23 nghìn tỷ đồng tồn kho)

 Ngoài ra, một số sự kiện đáng chú ý như sự kiện Thủ Thiêm sau nhiều năm không được giải quyết đến nay đã bùng nổ và phát lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng, loạt sai phạm về chuyển nhượng đất công đẹp, gây thất thoát tài sản nhà nước…

Theo TS Trần Đình Thiên, từ 10 sự kiện nổi bật này sẽ giúp nhận diện toàn cảnh về thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2018.

Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW (CIEM) chỉ ra có 4 yếu tốt kích thích thị trường: kỳ vọng vào thị trường đất nền, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, song rất tiếc là không tác động mạnh tới thị trường. Yếu tố thứ 3 là sự hào hứng với sản phẩm mới condotel trong nửa đầu năm song phản ứng chính sách không rõ ràng nên nhanh chóng nguội. Yếu tố thứ 4 là chính sách thuế bất động sản khiến doanh nghiệp thêm khó khăn…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRea) đánh giá, thị trường bất động sản 2018 giữ được đà tăng trưởng tốt, vẫn nằm trong chu kỳ tăng trưởng và đây là điều rất tích cực cho thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo cập nhật đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay mua nhà duy trì ở mức hợp lý và chiếm 68 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đầu tư vào đất nền khoảng gần 42 nghìn tỷ đồng… Về mặt chính sách, đã có những điều chỉnh, thay đổi chính sách liên quan tới thị trường BĐS, đơn cử: chính sách pháp lý về condotel đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, phân định rõ. Chính sách thuế, khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp… được đưa ra lấy ý kiến góp ý để điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Một trong các sự kiện nổi bật, dòng tín dụng vào bất động sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ và là yếu tố giúp giữ nhịp cho thị trường năm 2018. Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, thị trường BĐS năm qua đã đi vào phát triển ổn định, lành mạnh hơn, có tín cá biệt hơn. Năm 2018, các chủ đầu tư đã ứng biến rất nhanh với thị trường, đưa ra các sản phẩm mới có tính “cá biệt hoá” cao như căn hộ Vincity, sản phẩm cho thuê chung văn phòng space working phù hợp nhu cầu khởi nghiệp… Chính sách liên quan thị trường BĐS cũng có chuyển động nhanh hơn và đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

“Tín dụng đổ vào BĐS vẫn tăng trưởng khá tốt. Đơn cử, năm 2017 tín dụng chung tăng 18% và tín dụng BĐS tăng 13%. Năm 2018, tín dụng chung tăng khoảng 15% và tín dụng BĐS tăng khoảng 10%...

Dư nợ tín dụng BĐS đến cuối kỳ đạt 510 nghìn tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế…”, TS Lực chia sẻ.

Tín dụng BĐS vẫn tăng trưởng khá tốt

Theo ông Trần Kim Chung, thị trường BĐS 2018 đang xen khó khăn lẫn thách thức, có thể kể tới, nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Sự lệch pha cung cầu – sản phẩm thể hiện ở cơ cấu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền người dân chỉ chiếm tỷ lệ thấp 27%, nhà ở cao cấp vẫn chiếm chủ đạo. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội lại chưa triển khai được trong năm qua do thiếu vốn và khó khăn chính sách.

“Nhà đầu tư thứ cấp ở phân khúc sản phẩm cao cấp vẫn chiếm chủ đạo là điều đáng ngại. Hơn nữa, năm 2019, khi các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% cơ cấu vốn để cho vay BĐS sẽ là thách thức đáng chú ý”, ông Chung chỉ rõ.

Dù vậy, sự tăng trưởng của thị trường BĐS theo hướng ổn định và bền vững được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2019. 

>> TP HCM thông báo chính sách đền bù cho 321 hộ dân Thủ Thiêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…