Chuyên gia mách nước giúp giảm chi phí xây dựng công trình xanh

Hiện nay, phát triển công trình xanh dần trở thành xu hướng, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho cả doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng và không gian chung của thế giới…

bdsanh(1).jpg
Công trình xanh trở thành xu thế tất yếu

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong những năm qua đã “phủ bóng đen” lên toàn cầu. Song, nhìn từ thách thức, các chuyên gia cho rằng, đây chính là giai đoạn để khẳng định vị thế của công trình xanh trong chu kỳ phát triển bền vững.

TRỞ THÀNH XU HƯỚNG MỚI

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã nêu việc thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Ảnh màn hình 2023-10-18 lúc 09.59.39.png

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chia sẻ tại hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” ông Tạ Đắc Quý, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng cho rằng, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu cộng đồng doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi xanh cho các công trình của mình.

Ảnh màn hình 2023-10-18 lúc 10.00.35.png
Dự án bất động sản xanh có sự tăng giá theo thời gian

Đồng quan điểm với ông Quý, bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group cũng nhìn nhận, khi đại dịch Covid - 19 qua đi, nhu cầu của người dân về một chốn an cư trong lành, đảm bảo môi trường sống, cải thiện sức khoẻ đang là xu hướng chung được tìm kiếm rất nhiều.

Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn.

“Chính vì vậy, đây được coi là “giai đoạn vàng” thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng”, vị Giám đốc Sen Vàng Group cho ý kiến.

Nói rõ hơn về công trình xanh, các chuyên gia cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để làm nên các công trình xanh hiệu quả là vật liệu xây dựng phải tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng.

Hiện nay, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về yêu cầu năng lượng. Trong đó, quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu nhằm mục đích góp phần vào việc xây dựng tòa nhà có công năng hiệu quả. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, ông Trần Quốc Khánh, đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, việc phát triển các vật liệu xây dựng xanh, đảm bảo tiết kiệm năng lượng là điều không dễ dàng nên không có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, nắm bắt xu hướng phát triển công trình xanh trong giai đoạn gần đây, Viglacera vẫn quyết tâm nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ xanh, kính tiết kiệm năng lượng để phục vụ các công trình xanh hiện đại.

GỠ RÀO CẢN CHI PHÍ

Nhìn từ diễn biến thị trường vài năm trở lại đây, công trình xanh là xu hướng tất yếu, điều này không thể phủ nhận. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng đã nhận thức được điều này. Điều đáng nói, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều công trình xanh xuất hiện tại Việt Nam.

Tính đến năm 2022, cả nước ta chỉ mới có khoảng 300 công trình đã được cấp chứng nhận công trình xanh chính thức, một số công trình đang ở giai đoạn đăng ký chứng nhận công trình xanh. Con số này so với các nước trong khu vực và thế giới là quá khiêm tốn.

z4793968560950_f98a5bdcfb77cd4a09dd4d55b831329a.jpg
Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”

Vì vậy câu hỏi được nhiều người đặt ra là “nguyên nhân nào là cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế?”. Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng, hiện nay, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Song, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Viện Vật liệu Xây dựng cho rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, phương án tài chính hợp lý, sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách.

bat-dong-san-xanh-1-5945.png
Cần có những giải pháp làm giảm thiểu chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Trần Thành Vũ, Công ty TNHH Edeec cũng nhận định, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.

Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành, đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, liệu cách hiểu mặc định này có đúng với thực tế thị trường Việt Nam, có con đường đổi mới sáng tạo nào có thể giúp các công trình vừa đảm bảo tính bền vững, mà vẫn giảm chi phí đầu tư, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận hành?

“Câu trả lời sẽ được làm rõ qua các dự án thực tế, được tính toán so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hoá về chi phí đầu tư, về chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị tại Việt Nam”, ông Trần Thành Vũ nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ khác, bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN), Công trình bền vững Việt Nam cho rằng, để xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm chi phí cho phát triển công trình, chủ đầu tư nên thực hiện các tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng.

Cách đây không lâu, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng có đề xuất giúp công trình xanh phát triển hơn nữa. Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh tại Việt Nam để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và thi công có nhận thức đầy đủ về các bộ tiêu chí áp dụng.

Thứ hai, để có thể cấp chứng nhận cho công trình xanh phải có con số, định lượng hóa cụ thể các tiêu chí đưa ra. Tránh hiện tượng mượn nhãn dự án bất động sản xanh để gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.

Thứ ba, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh.

“Thay việc bỏ tiền đầu tư nhà máy điện, nhập khẩu than... để tăng sản lượng điện bằng cách tiết kiệm điện, hỗ trợ cho các chủ đầu tư công trình xanh thông qua các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tư vấn đầu tư, thiết kế...”, VARS chia sẻ thêm.

Xem thêm

Nghi thức chính thức phát động chiến dịch hành động “Vì một Việt Nam Xanh”

Vingroup công bố chương trình hành động của quỹ vì tương lai xanh

Quỹ Vì tương lai xanh sẽ triển khai 10 chương trình hành động và đi sâu vào 10 lĩnh vực thiết yếu của đời sống, bao gồm: Di chuyển xanh, Năng lượng xanh, Văn phòng xanh, Tiêu dùng xanh, Môi trường xanh, Vườn đô thị xanh, Du lịch xanh, Giáo dục xanh, Y tế xanh và Thể thao xanh...

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…