Các dự án bất động sản xanh được xây dựng và phát triển đạt chỉ tiêu hạn chế lượng phát thải, mức tiêu thụ năng lượng còn mang lại hiệu quả cao cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Thực trạng ở Việt Nam
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra từ ngày 1 đến ngày 12/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam là một trong những nước đóng góp vào tỷ lệ 14% các nước tại Châu Á - Thái Bình Dương có cam kết mục tiêu này.
Mới đây nhất, sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á” (AZEC) có ý nghĩa quan trọng trong việc tái khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26.
Là nguyên nhân phát thải của gần 40% lượng khí thải carbon toàn cầu và 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng, lĩnh vực xây dựng và bất động sản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng đã đưa ra.
Trong một sự kiện về công trình xanh được tổ chức vào tháng 10/2022, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Việt Nam mới chỉ có 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh, con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.
Trong khi đó, theo dự báo của World Bank, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Nếu mực nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng – nơi cư trú của 23% dân số.
Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân đạt khoảng từ 7 đến 10%/năm.
Cũng trong thời gian này, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12%. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Mức độ ảnh hưởng của ngành xây dựng là rất lớn trong khi áp lực gia tăng dân số ngày càng cao.
Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, chính sách nhà ở của Việt Nam đang đối diện với áp lực tăng trưởng dân số lớn, đặc biệt tốc độ phát triển dân số đô thị cao và quy mô hộ gia đình liên tục giảm trong 20 năm qua.
Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số thành thị sẽ tăng lên 45%, do đó mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị.
Cần có cơ chế rõ ràng
Để đạt được cam kết đặt ra về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự tham gia tích cực và sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như ban quản lý, khách thuê.
Báo cáo mới nhất của Hội môi giới bất động sản Việt Nam VARS cho biết, hiện nay, rào cản lớn nhất của thị trường công trình xanh tại Việt Nam là nhận thức chưa đúng của chủ đầu tư về công trình xanh. Nhiều chủ đầu tư lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.
Hơn nữa, những năm gần đây, thứ tự ưu tiên mua nhà của người dân đã có sự thay đổi, để có thể đi được lâu dài với thị trường, doanh nghiệp địa ốc buộc phải thay đổi theo nhu cầu của đại đa số khách hàng.
“Trước đây người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư, đi lại thuận tiện, thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu với lượng bán tốt vượt trội so với những dự án khác”, VARS nhận định.
Như vậy, các dự án công trình xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể. Lợi ích rõ ràng của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Còn đối với người sử dụng, với mức giá mua cao hơn từ từ 3-8%, khách hàng có thể giảm chi phí điện nước từ 15-20%.
Về vấn đề này, tại các thị trường bất động sản của các nước phát triển, có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới; Green Mark của Singapore, Leed của Mỹ,...
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “công trình xanh".
Hơn nữa, nhận thức về “công trình xanh" vẫn còn chưa chính xác. Hầu hết công trình xanh đều được mọi người hiểu phiến diện rằng “công trình xanh nghĩa là nhiều cây xanh". Tuy nhiên, ngoài kiến trúc xanh, công trình xanh phải đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu... đảm bảo không tác động xấut ới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.
Do đó, VARS đề xuất, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh tại Việt Nam để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và thi công có nhận thức đầy đủ về các bộ tiêu chí áp dụng.
Bên cạnh đó, để có thể cấp chứng nhận cho công trình xanh phải có con số, định lượng hóa cụ thể các tiêu chí đưa ra. Tránh hiện tượng mượn nhãn dự án bất động sản xanh để gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.
Đồng thời, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh.
“Thay việc bỏ tiền đầu tư nhà máy điện, nhập khẩu than... để tăng sản lượng điện bằng cách tiết kiệm điện, hỗ trợ cho các chủ đầu tư công trình xanh thông qua các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tư vấn đầu tư, thiết kế...”, VARS chia sẻ thêm.