Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân khan hiếm công trình xanh tại Việt Nam

Đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có khoảng 150 công trình xanh đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công.
Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân khan hiếm công trình xanh tại Việt Nam

Ông Hoàng Tùng, Phó GĐ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, cho rằng: Muốn phát triển công trình xanh thì cần có những giải pháp, ưu đãi cụ thể

Đây thông tin được công bố tại Hội nghị Phát triển Bất động sản Bất động sản Bền vững 2018, chủ đề “Chiến lược Xanh” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, Công ty CP DKRA Việt Nam và Công ty GreenViet phối hợp tổ chức.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hoạt động xây dựng và phát triển các dự án đầu tư bất động sản là một trong những tác nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường.

Vì vậy, phát triển bất động sản bền vững là một yêu cầu bức thiết. Hiện công trình xanh là xu hướng tất yếu và đang phát triển rất mạnh mẽ trong khu vực cũng như trên thế giới, khi đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của công trình xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Đứng ở góc độ, doanh nghiệp đầu tư và phân phối bất động sản, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, cho biết: Tiêu chí chọn mua bất động sản của khách hàng đang có những thay đổi rõ rệt. Trong đó, một trong 3 tiêu chí ưu tiên hiện nay chính là cảnh quan môi trường sống gắn liền (cây xanh, an toàn an ninh, tiện ích, quản lý…).

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng thì yếu tố xanh càng được đặt lên hàng đầu. Xanh về cảnh quan, xanh về thiên nhiên môi trường tự nhiên, xanh về sự quản lý của con người”, ông Lâm khẳng dịnh.

Thế nhưng tại Việt Nam, số lượng công trình xanh khá hạn chế. Tính đến nay mới chỉ có khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công.

Lý giải con số cực kỳ khiêm tốn này, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet, chỉ ra 3 lý do, gồm: Chi phí cao, chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Cũng như ông Phạm Lâm, ông Quang đồng tình rằng, nhu cầu của khách hàng đang thay đổi, họ sẵn sàng chi thêm tiền cho không gian sống xanh nhưng phải ở mức hợp lý. Vì vậy, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để đưa mặt bằng giá của công trình xanh về mức phù hợp là yếu tố rất quan trọng.

Từ thực tiễn làm công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư Phúc Khang, thừa nhận: Làm công trình xanh chi phí ban đầu tăng thêm khoảng 10% để thỏa mãn các tiêu chí đặt ra nhưng lợi ích về lâu dài mà công trình xanh mang lại là rất lớn, trong đó khả năng tiết kiệm hiệu quả khi có thể giảm được 30% nước sử dụng và tối thiểu 20% năng lượng.

Tuy nhiên, “Việc phát triển công trình xanh không nên giới hạn tư duy ở một đơn nguyên nhà ở hay một công trình cao tầng đơn độc. Trái lại, hãy xem công trình xanh như một cá thể, thì việc phát triển đồng bộ những ngôi nhà xanh, căn hộ xanh này cùng với một không gian sống xanh, chúng ta sẽ có được những đô thị xanh, những cộng đồng xanh… Lúc bấy giờ, giá trị xanh sẽ gia tăng theo cấp số nhân và hiệu ứng lan tỏa về ý thức “sống xanh” đến số đông và thị trường cũng thật mạnh mẽ", bà Mẫu lưu ý.

Ông Pannir Chelvam, Giám đốc cấp cao Bộ phận Quản lý Dự án Keppel Land Việt Nam, chủ đầu tư dự án Saigon Centre (Q.1, TP.HCM) cũng cho hay: Với việc áp dụng hàng loạt các tính năng bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng điện & nước hiệu quả, bền vững, mỗi năm, Saigon Centre có thể tiết kiệm hơn 20 tỷ đồng chi phí vận hành, cắt giảm hơn 4.600 tấn khí thải CO2 mỗi năm…

Các chủ đầu tư dự án bất động sản ngày càng quan tâm đến phát triển không gian xanh tại các dự án bất động sản. Mật độ xây dựng tại dự án Symbio Garden do DRH Holdings làm chủ đầu tư chỉ 28%.

Lợi ích rõ ràng như vậy nhưng theo ông Hoàng Tùng, Phó GĐ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, phát triển công trình xanh đang là một thách thức và nếu chỉ khuyến khích thôi thì chưa đủ, mà cần có những ưu đãi cụ thể.

Ông đề xuất, nếu một công trình bình thường chỉ được 5.000m2 sàn sử dụng nhưng nếu chủ đầu tư cam kết xây công viên, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện môi trường thì ngay lập tức được cộng thêm 1.000m2 sàn. Đây sẽ là bài toàn để các nhà đầu tư cân nhắc chọn làm công trình xanh để được hưởng ưu đãi nâng từ 5.000m2 lên 6.000m2 sàn, mang lại lợi ích kép cho chủ đầu tư và cộng đồng.

Ông Tùng cũng tiết lộ: Hiện TP.HCM đang thực hiện chương trình cải tạo chung cư cũ, đồng thời chỉnh trang phát triển đô thị. Một dự án lớn mà thành phố đang khuyến khích, dành nhiều ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp tham gia là chương trình cải tạo và chỉnh trang đôi thị 2 bờ kênh Đôi.

“Đây là khu vực đang tập trung rất nhiều nhà lụp xụp, môi trường ô nhiễm nặng nề. Thành phố rất cần sự chung tay của các nhà đầu tư để cải tạo, tăng thêm mảng xanh cho khu vực này, không những trở thành không gian đô thị văn minh mà còn góp phần cải thiện chất lượng không khí cho thành phố”, ông nói.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính nói thêm: Các dự án đầu tư bất động sản luôn đối mặt với thách thức cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá.

Quá trình phát triển hạ tầng du lịch ở các thành phố như Đà Lạt, Sapa… là minh chứng rõ ràng với nhiều khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn đúng mực.

Từ những thành phố có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn theo kiểu châu Âu, Đà lạt, Sapa đang trở thành thành phố buôn bán xô bồ, bị bê tông hoá trên diện rộng. Yếu tố bản sắc có nguy cơ bị mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả tư nhân và nhà nước.

“Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có những hành động kịp thời trước khi quá muộn”, ông Chính nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…