Đánh giá về triển vọng ngành cảng biển năm 2024, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng nhóm cổ phiếu cảng biển sẽ trên đà phục hồi trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
NHIỀU TÍN HIỆU TƯƠI SÁNG
Trong năm 2024, ngành cảng biển dự kiến sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế thế giới, tuy nhiên nhóm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng sản lượng hàng qua cảng biển Việt Nam vẫn diễn biến tích cực nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giữ được đà tăng dù khá chậm, động lực chính đến từ việc hồi phục tiêu dùng từ Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho tại Mỹ đã quay lại mức bình thường sau khi duy trì ở mức cao hồi đầu năm, tình trạng cắt giảm đơn hàng do hàng tồn kho cao sẽ không còn nữa nên dù việc hồi phục tiêu dùng là chưa đáng kể, nhưng năm 2024 vẫn sẽ ghi nhận sự tăng trưởng lớn về sản lượng, đặc biệt trong nửa đầu năm.
Đồng thời, vốn FDI cũng đang trên đà tăng trở lại, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, ký kết các văn bản hợp tác song phương với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng lớn hơn của giao thương quốc tế trong thời gian tới.
Thêm vào đó, với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước trong việc giải ngân đầu tư công, củng cố hệ thống cảng các khu vực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cảng sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều đối tác cũng như tối ưu hóa năng lực hoạt động doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá, có nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá cước vận tải và giá cước thuê tàu có thể phục hồi kể từ cuối năm 2023. Hiện tại, giá cước vận tải ở mức thấp so với giai đoạn 2021 - 2022 và tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19, nên sẽ khó giảm thêm.
Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu tăng, khi kinh tế dần hồi phục và lạm phát hạ nhiệt. Bên cạnh đó, nguồn cung tàu nhiều khả năng sẽ không tăng thêm. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp một số ngành hưởng lợi, bao gồm cảng biển.
Đánh giá về những yếu tố có tác động tích cực tới ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan đang ngày càng được cải thiện, cùng với một số động thái gần đây của các công ty vận tải biển lớn nhằm chống lại giá vận tải thấp sẽ giúp giá vận chuyển phục hồi.
Thêm vào đó, thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là giai đoạn hoạt động thương mại, mua bán, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh.
NHƯNG VẪN TIỀM ẨN THÁCH THỨC
Mặc dù ngành cảng biển nói chung đã dần phục hồi với các tín hiệu tích cực từ cả vĩ mô và yếu tố ngành, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro tiềm tàng trong năm 2024. Cụ thể, Mirae Asset cho biết tính đến cuối tháng 9/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam suy yếu so với số liệu hồi tháng 7, dù vẫn cao hơn đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chi tiêu thực tế ở Mỹ vẫn tích cực nhưng đà tăng trưởng dường như đang nguội dần.
Bên cạnh đó, với những bất ổn về lãi suất, cùng sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và công suất cảng biển dư thừa trong ngắn hạn là những rủi ro chính đối với ngành cảng biển trong năm 2024.
Tương tự, chuyên gia phân tích KBSV nhận định triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp cảng biển chưa rõ ràng do sản lượng hàng vận tải hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Với kỳ vọng tích cực về sản lượng xuất nhập khẩu nhờ phục hồi về cầu từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, KBSV cho rằng sản lượng vận tải được dự báo sẽ có sự tăng trưởng nhẹ.
Về giá vận tải giao ngay, mức giá cước đang trên đà phục hồi trong 2 tháng cuối năm do những căng thẳng ở Biển Đỏ. Lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng dự kiến sẽ đẩy giá vận tải tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá cho thuê tàu định hạn vẫn đang ở mức thấp cho thấy thế giới vẫn chưa có kì vọng về sự hồi phục của ngành vận tải trong dài hạn.
Đồng thời, thị trường tàu tự vận hành và cho thuê tàu định hạn dự kiến cũng sẽ chịu tác động về lo ngại dư cung khi hiện nay số tàu đóng mới được giao ngày càng nhiều trong khi nhu cầu vận tải chưa thực sự hồi phục.
CỔ PHIẾU CẢNG BIỂN NÀO SẼ "DẬY SÓNG"?
Dự báo về triển vọng nhóm cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển trong năm 2024, YSVN đánh giá cổ phiếu GMD sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh và ổn định trong thời gian tới nhờ dự thảo đề xuất tăng giá dịch vụ xếp dỡ container từ 1/1/2024.
Theo đó, dự thảo sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của Gemadept khi tất cả các cảng của Gemadept đều thuộc đối tượng áp dụng mức tăng giá sàn và cảng nước sâu Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được áp dụng mức tăng đến 20%.
Đồng thời, YSVN cũng đánh giá tích cực đối với cổ phiếu HAH nhờ việc hưởng lợi từ việc giá cước vận tải phục hồi. Hiện tại, Xếp dỡ Hải An sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến nhận thêm 4 tàu container mới cỡ 1.800 Teu trong giai đoạn 2023 – 2024, nâng tổng sức chở đội tàu lên 23.000 Teu vào cuối năm 2024.
“Đây sẽ là lợi thế để Xếp dỡ Hải An gia tăng thị phần, mở rộng tệp khách hàng khi thị trường sôi động trở lại”, YSVN đánh giá.
Song song với đó, KBSV cho rằng kết quả kinh doanh thời gian tới sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, các doanh nghiệp sở hữu cảng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ có sự hồi phục mạnh nhất so với khối cảng miền Bắc và TP.HCM do mức nền thấp nửa đầu 2023, cùng với sự thay đổi rõ rệt đến từ hàng tồn kho Mỹ, thị trường chính của khối cảng ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi dự thảo tăng giá dịch vụ xếp dỡ container có hiệu lực, do mức tăng giá cao nhất được áp dụng cho cảng xanh và cảng nước sâu.
Với nhóm cổ phiếu vận tải biển, KBSV duy trì nhận định trung lập về triển vọng tăng trưởng ngành khi giá cước vận tải vẫn đang ở mức thấp hơn đại dịch, mức hồi phục chưa đáng kể và cũng chưa có động lực tăng trưởng rõ ràng trong thời gian tới.
Cùng với việc giá cho thuê tàu vẫn đang tiếp tục tạo đáy mới do nhu cầu vận tải suy giảm và lo ngại về dư cung khi tàu đóng mới về ngày càng nhiều.
“Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, nhà đầu tư chỉ nên xem xét đầu tư với các mã cổ phiếu có cơ bản vững như HAH, VOS khi cổ phiếu về mức giá hấp dẫn”, nhóm phân tích KBSV nhận định.
Trong khi đó, Mirae Asset đánh giá tích cực đối với cổ phiếu VSC bởi kết quả kinh doanh khởi sắc và dự báo doanh thu của công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Mirae Asset dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Viconship năm 2024 lần lượt đạt 2.415 tỷ đồng và 213,1 tỷ đồng, tăng 18,4% và 40,2% so với năm 2023 nhờ việc Viconship hợp nhất kinh doanh với cảng Nam Hải Đình Vũ.