Song song với mức tăng về giá cổ phiếu, các doanh nghiệp “họ” Viettel cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2019.
Cơn sốt mang tên Viettel
Ghi nhận mức tăng mạnh nhất từ đầu năm là cổ phiếu CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel cũng gây ấn tượng với mức tăng 177% so với đầu năm, hiện đang ở mức đỉnh 56.900 đồng/cp (phiên sáng 8/8).
Hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu là kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu đạt 2.422 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gần 77 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo đó là là cổ phiếu VGIcủa Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) với mức tăng 176% kể từ đầu năm 2019. Tính tới phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu VGI đạt mức đỉnh lịch sử 36.500 đồng/cp. Tuy có sự điều chỉnh trong phiên 7/8 nhưng đã rất nhanh chóng lấy lại mốc 36.400 đồng/cp tại phiên sáng 8/8.
Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của VGI đạt gần 106.000 tỷ đồng, thuộc số ít doanh nghiệp có vốn hóa hơn 100.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Đà tăng của cổ phiếu VGI bắt đầu từ quý IV/2018 khi Viettel Global kinh doanh có lãi là tín hiệu tích cực sau thời gian đầu tư lớn để mở rộng thị trường nước ngoài. Lợi nhuận đột biến trong 6 tháng đầu năm 2016 càng tạo nên sự hỗ trợ vững chắc cho đà tăng của cổ phiếu.
Cụ thể, tổng doanh thu doanh nghiệp đạt được trong 6 tháng qua là 7.868 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế lại ghi nhận 1.257 tỷ đồng, tăng vọt so với khoản lỗ 16 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 711 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với cùng kỳ, nhưng Viettel Global vẫn lỗ gần 5.079 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị giá của cổ phiếu VTK (CTCP Tư vấn Thiết kế Viettel) cũng cao gấp đôi sau hơn 7 tháng, đang ở vùng đỉnh 42.900 đồng/cp; cổ phiếu VTP của Viettel Post nằm trong số ít cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp trên thị trường; hiện VTP đang giao dịch tại 140.500 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường đạt gần 8.500 tỷ đồng.
Tất nhiên, kết quả kinh doanh của Tư vấn Thiết kế Viettel hay Viettel Post cũng không nằm ngoài đà tích cực của nhóm các công ty con của Tập đoàn Viettel với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ của cả doanh thu và lợi nhuận.
Nghịch lý thanh khoản thấp
Thực tế cũng không quá khó lý giải sức hấp dẫn của nhóm “họ” Viettel này bởi đây đều là các doanh nghiệp nhận được sự hậu thuẫn của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Có thể kể đến như Công trình Viettel là đơn vị thi công công trình xây dựng dân dụng xây lắp hạ tầng viễn thông cho Viettel, được hưởng lợi từ vị thếđộc quyền nhóm của ngành viễn thông Việt Nam. Năm 2018 có đến 88% doanh thu của Công trình Viettel liên quan đến tập đoàn viễn thông Quân Đội.
Hay Viettel Global là mảng đầu tư viễn thông quốc tế trong chiến lược toàn cầu hóa của Tập đoàn Viettel. Những năm qua, Viettel Global đẩy mạnh đầu tư hạ tầng viễn thông vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á, Mỹ Latin và châu Phi.
Tuy nhiên, đặc trưng của nhóm doanh nghiệp này là tỷ lệ sở hữu thuộc về Viettel quá cao, thậm chí theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, Viettel không có doanh nghiệp nào nằm trong danh sách thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa.
Hiện, Viettel đang sở hữu tới 68% cổ phần tại Viettel Post, 73,2% tại Công trình Viettel, hơn 72,7% tại Viettel Global…bên cạnh đó là các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài nắm giữ lượng cổ phần dao động từ 5%-7%.
Điều này đã khiến thanh khoản của cổ phiếu của nhóm luôn ở mức thấp, trung bình từ 50.000 đến 100.000 đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên. Theo chia sẻ từ một nhà đầu tư, do lượng cổ phiếu tự do của các mã Viettel ít nên các nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn trong việc mua vào.
Thông thường những cổ phiếu có lượng “hàng trôi nổi” ít , quy mô vị thế nhỏ nên dễ dàng tăng giá. Bên cạnh đó, việc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Tập đoàn mẹ đã tạo nên một biến số tiềm ẩn cho nhóm cổ phiếu này.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như ai sẽ bán các cổ phiếu “họ” Viettel? lên sàn để làm gì? Mặc dù trong giai đoạn tới đây không có doanh nghiệp nào của Viettel nằm trong danh sách phải thoái vốn nhưng Tập đoàn mẹ đã xây dựng kế hoạch giảm vốn, thoái vốn với một số khoản đầu tư.
Cụ thể đến 2020, Viettel sẽ giảm vốn tại một số công ty con về mức trên 50% vốn điều lệ; bao gồm Viettel Post (giảm từ 68,08% xuống hơn 50%), Tư vấn thiết kế Viettel (giảm từ 68% xuống hơn 50%), Công trình Viettel (giảm từ 73,2% xuống hơn 50%).
Có lẽ việc lên sàn của các doanh nghiệp này là để tạo tiền đề cho Viettel thoái vốn thời gian tới.