Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, hiện tượng đài phát thanh phường ở TP Đà Nẵng bị nhiễu sóng không phải lần đầu xảy ra và nguyên nhân chỉ có thể do yếu tố kỹ thuật.Trước thông tin đài truyền thanh phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị "chèn sóng" tiếng Trung Quốc, trao đổi với báo chí ngày 19/7, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Sở Thông tin Đà Nẵng, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực III cùng các đơn vị đã xác minh.Theo đó, cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung là một trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ, thu sóng do Đài truyền thanh không dây của phường phát trên tần số 97,5MHz được Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép.Tuy nhiên, thời điểm đoàn kiểm tra đến và cho vận hành cụm thu - phát trong nhiều lần thì loa hoạt động bình thường và không bị nhiễu sóng. Vì vậy, ông Hoan cho rằng, từ phản ánh của người dân chỉ có một cụm loa ở phường bị nhiễu sóng trong thời gian ngắn và không lặp lại, thì nguyên nhân có thể là kỹ thuật không đảm bảo. Nếu bị phát trùng tần số thì tất cả cụm loa trên hệ thống đài truyền thanh quận đều phải thu được cùng nội dung vào thời điểm đó."Hiện nhiều hệ thống loa đài không dây cũ được cấp phép từ trước vẫn hoạt động ở băng tần phát thanh FM 97,5MHz. Các thiết bị đa số đã cũ và chất lượng không đảm bảo nên có thể thu sóng FM từ bên kia biên giới trong trường hợp thời tiết đặc biệt", ông Hoan nói và cho biết sắp tới, đài phát thanh quận sẽ chuyển sang sóng ở băng tần mới để hạn chế tình trạng nhiễu.Với truyền thanh không dây phát sóng ở tần số FM, loa sẽ tự động mở khi tín hiệu phát đúng tần số được cấp phép. Nhưng nếu loa chất lượng kém hoặc lỗi kỹ thuật thì tín hiệu của tần số lân cận có thể mở được loa, vì thế có trường hợp phường này nghe loa phường kia. Bên cạnh đó phát thanh, truyền hình cả thế giới đều dùng chung băng tần, nên sóng FM từ nước này sang nước khác có chung đường biên giới như Việt Nam, Trung Quốc, Lào theo ông Hoan là bình thường.Nguyên nhân nhiễu sóng từ các bộ đàm được Cục Tần số loại trừ, bởi Đà Nẵng chỉ có một doanh nghiệp Trung Quốc được cấp phép sử dụng bộ đàm, nhưng ở băng tần khác, không thể gây nhiễu cho phát thanh.Ghi nhận nhiều trường hợp tương tựCục Tần số vô tuyến điện từng ghi nhận nhiều trường hợp sóng phát thanh ở nước ngoài truyền đến Việt Nam với tín hiệu yếu, không đủ kích hoạt loa, nhưng trong điều kiện thời tiết đặc biệt, môi trường truyền sóng trên mặt biển tốt hơn và xa hơn bình thường thì sẽ xảy ra chuyện đài phát sóng bị nhiễu. Ngay cả sóng điện thoại công suất rất nhỏ nhưng có thể truyền từ miền nam Thái Lan, bắc Malaysia sang đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.Trước đây, Đà Nẵng đã xảy ra tình huống tương tự, sau đó địa phương phải nâng cấp thiết bị, đưa bộ giải mã xử lý kỹ thuật.Trên thế giới, Liên minh viễn thông thế giới cũng đang đau đầu xử lý trường hợp nhiễu tần số mà gần như cuộc họp nào của Hội đồng thông tin vô tuyến quốc tế đều phản ánh. Đó là nhiễu từ đài phát thanh truyền hình Italy tới bờ đông nước Pháp và bờ tây Croatia. Nguyên nhân là Italy cho các doanh nghiệp đấu giá tần số không đúng với phổ tấn được Liên minh viễn thông thế giới cấp. "Cho đến nay nguyên nhân nhiễu sóng phát thanh truyền hình chủ yếu do kỹ thuật, không liên quan đến chính trị", ông Hoan nhấn mạnh.Những ngày qua, một số người dân đã lên mạng xã hội Facebook phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị chèn sóng tiếng Trung Quốc. Nhân viên Đài phát thanh đã rút điện cụm thu phát sóng FM. Ngày 19/7, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cũng ghi nhận hiện tượng nhiễu sóng tiếng Trung.Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, có 78 loa trong khu dân cư thuộc đài của 4 phường ở quận Ngũ Hành Sơn. Các đài phường tiếp âm và phát sóng của đài truyền thanh quận từ 5h30 đến 6h30; 11h đến 11h30; 17h đến 17h30. Cụm loa theo phản ánh bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung Quốc được đặt tại số nhà 28 Trương Văn Hiến, phường Khuê Mỹ.
Theo Vnexpress