Cuối năm dòng tiền lại “ùn ùn” đổ vào bất động sản

Dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân vào dịp cuối năm đổ khá mạnh vào bất động sản, đặc biệt là đất nền, diễn biến này dẫn đến giá đất tăng cao ở nhiều nơi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bất động sản luôn là kênh đầu tư “vua” an toàn và sinh lời.

Theo nhận định của kênh thông tin batdongsan.com.vn, quý IV thị trường bất động sản (BĐS) 3 miền Bắc – Trung – Nam sẽ từng bước hồi phục và đến tháng 12/2021 sẽ hồi phục hoàn toàn như trước khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ập tới. 

Nhà đầu tư ái ngại giá đất tăng

Không khó để thấy hiện nay tại các dự án đấu giá đất, dự án BĐS đang san lấp nền hay dự án đang được xây dựng… nhà đầu tư “nườm nượp” kéo nhau đi tham quan để tìm cơ hội đầu tư.

Chị Vũ Linh (Tây Hồ, Hà Nội) cùng một nhóm bạn có dòng tiền nhàn rỗi nhưng chưa biết đầu tư và làm thế nào để sinh lời được. Sau khi tìm được đáp án từ những người xung quanh, chị và nhóm bạn quyết định sẽ “hùn vốn” để tìm sản phẩm đất nền tại các dự án vùng ven và xung quanh Hà Nội.

Điều mà chị Linh và nhóm bạn rất khó khăn khi tìm được sản phẩm BĐS đầu tư ưng ý đó là khắp nơi giá đất tiếp tục tăng, thậm chí giá đất đấu giá tại một số huyện ở ngoại thành Hà Nội lên tới 80-90 triệu đồng/m2, còn tại quận Cầu Giấy lên tới hơn 300 triệu đồng/m2.

Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào bất động sản.
Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào bất động sản.

Không nản chí, chị lại lặn lội lên tận Sóc Sơn (Hà Nội) để tìm hiểu, tham khảo về đất có thể xây dựng được homestay cho thuê. Tuy nhiên, chị vô cùng hoang mang vì đất vườn rừng khoảng 4.000m2 bao gồm có cả 400m2 đất xây dựng, giá 10 tỷ đồng, trong khi đó cách đây hơn 1 năm, cũng lô đất này môi giới ở Sóc Sơn cho biết chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Tương tự, đất nền xung quanh khu vực quy hoạch dự án đô thị vệ tinh Hoà Lạc, dự án Đại học Quốc gia cũng tăng mạnh, khoảng 10% so hồi đầu năm 2021.

Không chỉ thế, đất nền các tỉnh ven đô cũng sôi động không kém, khi các văn phòng công chứng tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên “nườm nượp” người đợi làm thủ tục sang nhượng. Đặc biệt là đất thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), nay trở thành thành phố Từ Sơn, đã tăng từ hồi đầu năm lên 2-3 triệu đồng/m2.

Chị Bích Yến, trưởng văn phòng công chứng ở khu vực huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sau đợt giãn cách, thời gian gần đây số lượng giao dịch BĐS tăng nhanh ở khu vực này. Trước dịch, chỉ có khoảng 9-10 giao dịch/ngày, nay tăng lên 15-16 giao dịch/ngày. “Trong khi đó, riêng tại huyện này có khá nhiều văn phòng công chứng, thì số lượng giao dịch không phải là ít”, chị Yến nói.

Điều này cho thấy, dòng tiền đang chuyển qua BĐS nhiều hơn, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, khi kinh doanh, sản xuất các ngành nghề khác đều khó khăn, họ dùng tiền nhãn rỗi để mua BĐS và trú ẩn an toàn trong BĐS.

Còn chị Thu Hương, văn phòng Luật sư Thu Hương tại thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) cho hay, ngay hồi cuối tháng 9/2021, mọi giao dịch BĐS ở đây đã sôi động, mỗi ngày chị tiếp nhận hồ sơ sang nhượng, mua bán đất lên tới gần 50 hồ sơ.

Kênh đầu tư “vua”

Tại TP.HCM, thị trường BĐS cũng sôi động không kém, khi từ đầu tháng 11/2021 khách hàng đi xem đất nhiều hơn. Trong đó, đa số là nhà đầu tư khu vực trung tâm, mua để đầu tư lâu dài hoặc xây nhà bán lại, trong đó đáng chú ý là đất nền TP.Thủ Đức, Quận 9, giá đã có dấu hiệu nhích lên 3-7% trong khoảng tháng gần đây. Các nền đất thổ cư diện tích 50m2 tại P.Long Trường đầu năm có giá khoảng 2,7-2,8 tỉ đồng/nền thì hiện tại giao dịch khoảng 2,750- 2,850 tỉ đồng/nền. 

Đặc biệt, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu có mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất lên đến 73% so với tháng trước đó. Điều này cho thấy BĐS vẫn là kênh đầu tư tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. 

Lý giải về sự tăng giá này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho rằng, nguồn cung khan hiếm, cộng với dòng vốn đổ vào BĐS của nhà đầu tư cá nhân (tiền rút từ tiết kiệm trong các ngân hàng và lãi ở thị trường chứng khoán) nên việc tăng giá BĐS là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Trước đó, báo cáo thị trường tháng 10/2021 của kênh thông tin Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường BĐS cả nước sẽ hồi phục chậm nhất vào tháng 11 và hồi phục như trước dịch vào tháng 12. Hà Nội là địa phương phục hồi sớm nhất, tiếp theo sẽ đến TP.HCM và Đà Nẵng.

Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường mới đang ở tháng 11, nhưng giá BĐS đã có hiện tượng tăng giá, rất nhiều giao dịch thực tế diễn ra. Thị trường cả Nam và Bắc đều sôi động. Về cơ bản, dự án nào chủ đầu tư uy tín, tiến độ xây dựng tốt đều hút khách hàng. Có thể nhiều dự án chưa có người về ở, nhưng hầu hết các lô đất, căn biệt thự/liền kề đều có chủ, việc mua bán hiện nay chủ yếu là ở thị trường thứ cấp.

Các chuyên gia BĐS đánh giá, đang có dấu hiệu một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Trong đợt giãn cách xã hội, do khách hàng không đi lại giao dịch được, nên dòng tiền tạm đổ vào chứng khoán, và đến nay dòng tiền lại tiếp tục trở lại kênh BĐS. 

Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, tâm lý nhà đầu tư luôn tin tưởng vào sự hồi phục của thị trường BĐS, vì thị trường chứng khoán cần sự am hiểu, thì BĐS cần có những tư vấn, môi giới tốt, chủ đầu tư uy tín sẽ luôn là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.

Một năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá BĐS vẫn tiếp tục tăng cao, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường này, thậm chí lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác cũng được hiện thực hoá bằng BĐS, cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư luôn tin tưởng vào BĐS và coi đây là kênh đầu tư “vua”. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…