DAFCO – Sự trở lại và… “lợi hại” hơn xưa

Rơi vào cảnh “chết lâm sàng” trong thời gian dài, rồi bỗng “hồi sinh” một cách ngoạn mục, Công ty Giày Đông Anh (DAFCO) đã gây tò mò cho không ít người.
Ông NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Đông Anh (DAFCO)
Ông NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giày Đông Anh (DAFCO)

Gặp ông Nguyễn Đức Đăng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Mộc mạc, chân chất nhưng rất hài hước. Những người hài hước thường thông minh vì có thông minh mới biết hài hước... Họ là một “kho báu” cực kỳ hấp dẫn, luôn mang lại cho người xung quanh những bất ngờ thú vị.

Với chúng tôi, hơn thế - ông Nguyễn Đức Đăng, chủ của hơn 3.000 công nhân của DAFCO còn là người giản dị, thân thiện, cởi mở và hòa đồng với mọi người. Khi được ông dẫn đi thăm nhà máy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì vẻ đẹp được trau chuốt tỉ mỉ ở nơi sản xuất ra những “đôi hài vạn dặm”, từ những con đường có hàng cây xanh rợp bóng dẫn đến văn phòng chính, xưởng sản xuất, bếp ăn, nhà để xe... Ông Đăng nói rằng, ông và ban lãnh đạo làm tất cả những gì tốt nhất để người lao động (NLĐ) ở đây đều cảm thấy đi làm ở DAFCO như đang trở về ngôi nhà thứ hai của mình vậy.

Những lần "bước hụt" của DAFCO

Công ty ở thời điểm này giống như một chàng trai đang trong thời kỳ sung mãn. Mấy ai nghĩ rằng trước đây đã có lúc DAFCO rơi vào tình trạng gần như hấp hối vì mang quá nhiều trọng bệnh. Thoáng chua xót khi kể về quá khứ, ông Đăng cho biết, DAFCO được thành lập 8/1994, đối tác duy nhất của DAFCO là Công ty TNHH Hài Mỹ Đài Loan (Jimbrother’s). Ngày 22/6/2005, DAFCO chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Hiện tại, DAFCO có 45% số vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ, 55% vốn còn lại thuộc sở hữu là NLĐ trong công ty.

Tác giả và ông NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG
Tác giả và ông NGUYỄN ĐỨC ĐĂNG

Sóng gió bắt đầu nổi lên kể từ khi công ty cổ phần hóa. DAFCO đã bao phen khốn đốn bởi có những “bước đi hụt” vào hố sâu khi lãnh đạo công ty bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội tham ô tài sản; các cổ đông mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi tranh giành quyền lực và quyền điều hành; công nhân năm lần bảy lượt đình công tự phát bởi thu nhập thấp, bữa ăn quá đạm bạc, các chế độ tai nạn lao động, ốm đau, thai sản của NLĐ chi trả chậm....

Trong hơn 4 năm liền từ 2010 đến 8/2014, công ty không có giám đốc, chỉ có chủ tịch HĐQT được ủy quyền làm giám đốc để xử lý điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, đối tác là Công ty Jimbrother’s “lắc đầu ngán ngẩm”, đành phải chuyển địa điểm lên Phú Thọ gia công. Điều đó đã khiến công ty đứng trước bờ vực phá sản, hơn 3.000 NLĐ đứng trước nguy cơ không có việc làm.

Với tình trạng căng như dây đàn đó, đã có lúc tưởng chừng DAFCO phải trút bỏ “đôi giày nặng nề ra khỏi chân mình”. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp tranh cãi nảy lửa, ngày 21/8/2014, công ty mới tổ chức được đại hội thường niên thành công sau 8 năm không tổ chức hoặc tổ chức không đúng quy định của pháp luật...

Sau đại hội, bộ máy lãnh đạo công ty được kiện toàn. Ban lãnh đạo công ty bắt tay ngay vào việc từng bước khôi phục, khắc phục hạn chế cũ, dần lấy lại lòng tin của khách hàng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài.

“Hồi sinh” một thương hiệu

Từ tháng 8/2014, công ty dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và Công đoàn mới đã rất cương quyết, từng bước kiện toàn nhân sự, sáp nhập các phòng, ban cồng kềnh không cần thiết; chuẩn hóa các quy chế như quy chế quản lý tài chính, quy chế điều xe, quy chế giữa HĐQT và Ban giám đốc.

Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Đức Đăng cùng bộ máy lãnh đạo cũng thiết lập lại kỷ cương ở đơn vị, quán triệt, tập huấn về công đoàn và Bộ luật Lao động cho toàn thể cán bộ, NLĐ trong công ty để mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, về tổ chức đại diện cho NLĐ là công đoàn...

Đặc biệt, công việc được công ty ưu tiên làm ngay đó là tiến hành chăm lo đời sống cho NLĐ thông qua việc tăng lương, chế độ thưởng vào các dịp lễ, Tết, nghỉ mát, suất ăn giữa ca hàng ngày.... Tuy nhiên điều khiến người lao động phấn khởi nhất có lẽ là chế độ thai sản, ốm đau được công ty tạm ứng trước, giải quyết nhanh trong chưa đầy 2 tháng và cả tiền bồi thường của doanh nghiệp (trước khi pháp luật quy định), khác xa với tình trạng trước đó NLĐ phải chờ đợi BHXH chi trả đến hàng năm trời.

Để có được nơi làm việc bảo đảm sức khỏe và an toàn cho NLĐ, công ty đã tiến hành xây dựng lại những cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng vốn được xây dựng từ 50 năm trước như cho xây mới và lắp ti vi, wifi miễn phí tại nhà ăn; xây dựng nhà xe tập trung để NLĐ không phải gửi xe ở ngoài nhà dân như trước; nhà vệ sinh công cộng xuống cấp nghiêm trọng cũng được thay bằng công trình sạch sẽ và tiện nghi; trang bị phương tiện chống nóng, chống ồn, tăng cường hệ thống chiếu sáng và hệ thống nước sạch cấp cho các phân xưởng; trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy; trang phục bảo hộ cho người lao động được cấp phát đầy đủ và bảo đảm nhiều phúc lợi khác cho cán bộ, công nhân viên...

Người lao động hăng hái thi đua sản xuất
Người lao động hăng hái thi đua sản xuất

Sự lột xác một cách ngoạn mục đó đã khiến cho đối tác Jimbrother’s, từ việc phải chuyển địa điểm lên Phú Thọ gia công đã quay lại ký hợp đồng mới với đơn vị. Họ còn cam kết tiếp tục đầu tư tại DAFCO lâu dài nếu công ty ổn định và phát triển...

Sự thay đổi mạnh mẽ đó cũng khiến NLĐ hăng hái thi đua sản xuất. Thế nên sản phẩm của công ty luôn đạt loại A và được đối tác tin cậy, từng bước khẳng định vị thế của công ty trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu.

Tâm và tầm của ban lãnh đạo DAFCO

Đem băn khoăn về việc động lực nào khiến ông và bộ máy lãnh đạo công ty có thể “hồi sinh” được một nhà máy đã quá rệu rã như DAFCO, Tổng giám đốc Đăng tâm sự, để làm được điều đó thực sự phải là người rất có tâm. Nếu không đặt hết mọi tâm huyết vào đó sẽ không làm được, hoặc nếu làm được sẽ chỉ “hớt váng mỡ”, NLĐ sẽ bị đưa vào thế “sống chết mặc bay”.

Thế nên mặc dù đứng trước rất nhiều khó khăn nhưng Tổng giám đốc Đăng và bộ máy lãnh đạo không hề nản chí và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Với sức trẻ cộng với lòng nhiệt huyết, ông chỉ nghĩ một điều rằng “hãy cứ đi thì sẽ tới”. Quan trọng là đi đúng hướng. Ông trăn trở ngày đêm để trả lời cho một câu hỏi duy nhất là làm sao cho doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định và xa hơn nữa là ngày càng phát triển.

“Tôi đã trải qua giai đoạn thật sự khó khăn. Trong khi đang căng đầu để tìm hướng đi mới cho DN, tôi còn phải đương đầu với những thế lực thù địch. Nhiều lần họ uy hiếp, có lúc súng kề bên tai, hay có những lúc bị xã hội đen kéo vào phá phách tài sản... Tuy nhiên nhờ có báo chí vào cuộc, rồi lực lượng chức năng hỗ trợ, cũng như việc tôi đã lấy ân tình, lấy cái đức để đối đãi với họ nên các cuộc chiến ấy cũng dần đi vào quên lãng”.

Ông còn thú nhận, sở dĩ ông làm được vậy bởi ngoài làm việc bằng tâm thì ông còn yêu nghề, yêu công ty tha thiết. Ông vô cùng trân trọng những thành quả của các thế hệ trước để lại, coi lịch sử phát triển của công ty là những thước phim quý giá; là máu, là thịt, là lẽ sống đối với ông. Thế nên ông quyết tâm bằng mọi giá phải giữ lấy DAFCO, dần khẳng định vị thế của một thương hiệu đã tồn tại mấy chục năm qua.

Chia sẻ bí quyết vực dậy công ty một cách thành công ngoạn mục, ông Đăng cho rằng, thứ nhất phải gắn kết trách nhiệm của đối tác nước ngoài, gắn quyền lợi người lao động vào với DN. Nếu không gắn được với nhau, “làm cả, ăn tất” thì DN sẽ tự triệt tiêu.

Thứ hai, chủ DN phải nghĩ và làm như người lao động chứ không phải ngồi “chỉ tay năm ngón”. Phải chia sẻ với đối tác về quyền và lợi ích để cùng đưa DN phát triển.

Luôn vì người lao động

“Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước” – Tổng giám đốc Đăng và toàn thể ban lãnh đạo công ty luôn lấy đó là bài học lớn. Bằng tình yêu của mình dành cho NLĐ, ông Đăng đã vận dụng bài học đó trong quá trình điều hành của mình một cách rất tự nhiên, không gượng ép. Quan điểm của ông Đăng khi đã làm chủ DN, nếu tạo ra được lợi nhuận phải chăm lo cho NLĐ trước theo phương châm: “Mọi việc đều bắt đầu từ con người” bởi NLĐ là tài sản quý giá của DAFCO. Ông Đăng lý giải, dù công nghệ sản xuất có hiện đại, tiên tiến đến đâu, nhưng để vận hành được nó vẫn là con người. Khi NLĐ không được quan tâm đúng mức, họ sẽ không có sự hứng khởi, lòng nhiệt huyết với công việc do đó sẽ không cho ra được sản phẩm tốt, chất lượng cao.

Ban lãnh đạo DAFCO luôn tâm niệm, NLĐ là tài sản quý giá của DAFCO
Ban lãnh đạo DAFCO luôn tâm niệm, NLĐ là tài sản quý giá của DAFCO

Thế nên ông và toàn thể ban lãnh đạo công ty luôn chú trọng đến công tác đào tạo NLĐ, nâng cao tay nghề cho họ để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Như minh chứng cho điều đó, ông Đăng kể, có những việc nếu bớt xén tiền lương của người lao động đi một ít, ông có thể thu về nhiều tỷ/năm vào túi cá nhân nhưng ông không bao giờ làm điều trái lương tâm đó. Ông muốn NLĐ luôn xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, không muốn ai phải rời bỏ công ty chỉ vì thu nhập không đủ sống. Mong ước của ông đó là tất cả mọi người đều gắn bó với công ty cho đến khi hết tuổi lao động, có cuộc sống thoải mái với đồng lương hưu tươm tất từ chính nơi mình đã cống hiến.

Để thực hiện được ước mong đó, ông và bộ máy lãnh đạo đã đưa ra quyết định có tầm nhìn xa và mang tính chiến lược khi mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ lại công ty khi gặp biến cố. Và trong đợt dịch Covid-19, công ty đã lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh ở lĩnh vực mới để bù vào cho DAFCO khi đơn hàng nhận về giảm chỉ còn 35%. Khó khăn là thế nhưng ông và bộ máy lãnh đạo vẫn kiên quyết không để cho NLĐ mất việc làm. Thay vào đó công ty đã phân bổ NLĐ làm việc luân phiên để họ vẫn có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn.

Lẽ thường, với những chủ DN khi rơi vào tình cảnh này họ sẽ chọn phương án cho NLĐ nghỉ việc, đến khi nào công ty ổn định mới tuyển NLĐ mới. Tuy nhiên ông Đăng lại dám nghĩ khác, làm khác. Ông thừa nhận đây là giai đoạn “rất áp lực” bởi khi giữ NLĐ lại, công ty sẽ phải trả cho bảo hiểm xã hội số tiền tương đương 5 tỷ VNĐ/tháng, cộng với lương công nhân khoảng 20 tỷ VNĐ/tháng... trong khi công ty đang hoạt động không lợi nhuận vì đại dịch. Nhưng ông coi áp lực về kinh tế này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so áp lực về tinh thần khi nghĩ đến NLĐ đang trông chờ vào mình, nếu công ty không vì họ trong giai đoạn này thì không biết họ sẽ về đâu. Ông tin, ông sẽ vượt qua được áp lực này một cách nhanh chóng khi có hàng nghìn NLĐ tin tưởng và ủng hộ ông như hiện nay.

Không chỉ chăm lo cho NLĐ, công ty còn rất chú trọng đến công tác từ thiện. Phương châm và khẩu hiệu được tuyên truyền rộng rãi trong toàn công ty là phong trào: “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và uống nước nhớ nguồn”. Hàng năm, công ty đã trích từ nguồn quỹ phúc lợi và phát động đến toàn thể cán bộ công nhân viên ủng hộ các quỹ từ thiện hàng trăm triệu đồng. Công ty cũng đang nhận nuôi 14 cháu khuyết tật ở trường Bình Minh đóng trên địa bàn huyện và nhận nuôi dưỡng một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, công ty đã hỗ trợ hằng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện Đông Anh với số tiền là 350.000.000 đồng. Công ty còn tài trợ xây dựng một căn nhà tình nghĩa cho thương binh ở thị trấn Đông Anh với kinh phí 50 triệu đồng....

Nhờ có hướng đi đúng và sự quan tâm đến NLĐ, trong những năm qua, DAFCO đã đạt nhiều thành tích trong công tác thi đua. Công ty luôn được đánh giá và công nhận là một trong những đơn vị lá cờ đầu của Công đoàn ngành công thương Việt Nam, của TP. Hà Nội và của huyện Đông Anh về công tác từ thiện xã hội. Công ty được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TP. Hà Nội và UBND, Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh trao tặng bằng khen. Đặc biệt nhiều năm liên tục được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ đơn vị xuất sắc toàn diện.

Một mùa Xuân mới lại đến hứa hẹn một khởi đầu mới đầy lạc quan, một năm mới nhiều triển vọng. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng người viết tin rằng dưới sự điều hành của ông Đăng và các thành viên trong ban lãnh đạo cùng với sự đồng lòng của NLĐ, DAFCO sẽ có những bước đi vững chắc hơn nữa trên “đôi hài vạn dặm” của mình.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…