“Đại dịch” mới: Lạm phát

Đại dịch Covid-19 vừa đi qua, mọi người vừa kịp xả hơi bằng những chuyến “du lịch trả thù”, bằng những kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế… thì một “đại dịch” khác đã vội ập tới: Lạm phát.
“Đại dịch” mới: Lạm phát

Thế giới trong vòng xoáy lạm phát

Ông bà Joseph ở thủ đô Praha, CH Séc, đã về hưu và cả hai tạm đủ, ung dung với khoản tiền lương hưu (tổng cộng khoảng 17-18 triệu đồng Việt Nam/tháng) cho cuộc sống bình yên của mình.

Nhưng sau khi dịch Covid-19 kết thúc, cả hai ông bà đã cảm nhận thấy sức ép đầu tiên. “Giá dầu ăn tăng gấp 2, thậm chí có thời điểm gấp 3”, bà Joseph chia sẻ. Chưa hết, bà tiếp tục: “Giá thực phẩm cơ bản như bánh mì, bột, rau, hoa quả gì cũng tăng ít nhất 50%. Rồi tiền điện, tiền gì cũng tăng hết…..”. Cả hai ông bà bắt buộc phải tính toán chi li hơn mỗi lần mua thực phẩm, và những chi phí cơ bản thiết thực hàng ngày. Tiền lương hưu tất nhiên không thay đổi.

“Cũng may” - ông Joseph cười tự an ủi, “Tôi vẫn được đi metro, tàu xe miễn phí vì trên 65 tuổi, và vợ tôi vẫn chỉ trả có 120 cu-ron (tương đương 120.000đ) hàng tháng cho chuyện đi tàu xe, metro v.v nên vẫn chưa tới mức sang chấn tâm lý hay tự kỷ.”

Giá xăng ở Việt Nam hiện nay tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Giá xăng ở Việt Nam hiện nay tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Những điều ông bà Joseph kể phù hợp với chỉ số lạm phát của CH Séc, một nước được đánh giá là có nền kinh tế ổn định ở Trung Âu. Đó là hệ quả dây chuyền (domino) của hiệu ứng lạm phát từ việc đổ gẫy chuối cung ứng hàng hóa sau Covid-19 (giá vận chuyển tăng đột biến đẩy giá hàng hóa tăng cao), ngay sau đó là cuộc chiến giữa Nga và Ucraina đã đẩy tiếp Châu Âu vào cuộc khủng hoảng giá năng lượng (giá xăng dầu tằng cao kéo theo giá hàng hóa và mọi sản phẩm thiết yếu khác như thực phẩm tăng lên rõ rệt); khủng hoảng lương thực do cấm vận, do chiến tranh (không thể vận chuyển được lúa mạch ra khỏi Ucraina, ngược lại các sản phẩm nông nghiệp của Nga bị cấm vận không thể xuất khẩu.)

Theo thống kê cuối tháng 5 năm 2022, chỉ số lạm phát của CH Séc là 16% (Ucraina 18%, Nga: 17%), tỉ lệ lạm phát trung bình của Liên minh Châu Âu là 8,1%, con số cao không tưởng với rất nhiều nhà kinh tế cách đây một vài năm.

Đại dịch “Lạm phát” trên thế giới có sự phân chia sâu sắc đến mức đáng sợ. Trong khi các nước chịu nạn lạm phát lớn nhất như Venezuela (222.3%), Sudan (220,7%), Li Băng (206,4%) đã có khoảng cách quá xa với các nước bị ảnh hưởng mức“trung bình” như Argentina (58%). Các nước Châu Âu đang bị đe dọa mức lạm phát ngày càng tăng cao tới mức 10%- 20% như Estonia (20%), Litva (18,9%), Slovakia (11%), Anh (9%).

Mỹ cũng đạt tới mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm qua, 8,6%. Trung Quốc công bố mức lạm phát đang ở 2,1%, Philippine, Hàn Quốc, Singapore (5,4%).

Việt Nam bất ngờ chỉ được công bố mức lạm phát 2,86% trong bảng so sánh của thế giới. Thế nhưng, giá xăng tháng 6 năm 2022 tăng 56% sơ với giá xăng cùng tháng 6 năm 2021. Dường như sự chênh lệnh đáng kể này không liên quan gì đến mấy con số thống kê chính thức !

Ngân hàng Standard Chartered, dự báo về lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% cho năm 2022 và 5,5% cho năm 2023.

Dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 so với năm 2021

Dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 so với năm 2021

Theo Tổng cục Thống kê, mức lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%).

Theo đánh giá của giới kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát ở Việt Nam giống với trào lưu chung của thế giới, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu, năng lượng. Đặc biệt giá xăng dầu đã tăng gấp rưỡi so với cùng thời kỳ năm trước, khác xa với tỉ lệ lạm phát chính thức được nêu là 2,86%. Tất cả những ai phải đi lại, phải mua xăng sẽ hiểu và thấm điều đó hơn cả.

Sang năm 2023, tác động và ảnh hưởng thực tế của lạm phát sẽ còn cao hơn so với năm nay. Đây sẽ là một thử thách với đại đa số người dân, đồng thời sẽ là khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn tới làm chậm lại khả năng phục hồi của nền kinh tế. Đó là hệ quả trực tiếp của giá năng lượng, xăng dầu tăng, giá vận tải tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 11 nhóm hàng tính theo chỉ số CPI, nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm. 9 nhóm hàng còn lại chỉ số giá đều tăng so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất 2,20%, với nhóm nhiên liệu tăng 5,09% sau ba lần điều chỉnh giá bán xăng dầu ngày 4,11 và 23 tháng 5. Trên thực tế, với ảnh hưởng bắc cầu, giá nhiên liệu (xăng dầu) tiêu thụ đã tăng từ khoảng 20.000đ/lít tới mức trên 30.000 đ/lít.

Tác động dây chuyền trên toàn cầu

Khắp nơi trên thế giới, người giàu đang lo tìm cách bảo vệ tài sản của mình. Theo Dailymail, Mỹ đã mất 500.000 triệu phú, số tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã bốc hơi tới 1.300 tỷ USD (gấp hơn 3 lần ngân sách của nước Việt Nam).

Người nghèo thì tìm cách hạn chế tối đa chi phí cho cuộc sống. Những người trẻ tuổi đang băn khoăn có nên tiết kiệm để lập, chuẩn bị cho gia đình tương lai hay hưởng thụ vì không biết ngày mai sẽ ra sao? Tầng lớp tuổi trung lưu đang quan tâm làm sao không bị mất, hay ít nhất làm chậm quá trình giảm giá trị tài sản họ tích cóp được cho những ngày khó khăn như hiện nay. Đó là những lo lắng, quan tâm của người dân. Còn các chính phủ đang làm gì?

Lạm phát lớn ở Châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến số đông người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Anh Huân sống ở Praha, CH Séc, chia sẻ: “Giá cả tăng khiến đời sống rất bấp bênh”
Lạm phát lớn ở Châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến số đông người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Anh Huân sống ở Praha, CH Séc, chia sẻ: “Giá cả tăng khiến đời sống rất bấp bênh”

Theo các nhà kinh tế, biện pháp đầu tiên mà các Ngân hàng trung ương và các chính phủ nghĩ tới để khống chế tình trạng lạm phát gia tăng là thắt chặt điều kiện kinh tế, cụ thế siết chặt dòng tiền đổ vào lưu thông trong nền kinh tế. Ông Craig Erlam, chuyên gia tài chính có trụ sở ở London cho rằng, mọi người đã lường trước việc lãi suất cơ bản được nâng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7, tiến tới mức lãi suất 3,5-3,75% vào cuối năm từ Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (FED).

Theo các chuyên gia và dư luận, "Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng: Sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mục đích cuối cùng là nhắm tới khả năng “hạ cánh an toàn cho nền kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, đang có rất nhiều lo ngại khó có cơ hội cho ước muốn này. Bà Anna Wong, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, đưa ra những dự báo “đáng sợ”: Khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.

Việc FED tăng lãi suất cơ bản kỷ lục (trong rất nhiều năm FED chỉ giữ mức lãi suất cơ bản quanh 0%-0,5%) sẽ ảnh hưởng thực tế thế nào đến nền kinh tế và người dân?

Việc đầu tiên, người dân Mỹ sẽ không còn được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ô tô là hai khoản chi phí lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.

Chính sách quan trọng này đã được khẳng định: ngày 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%.

Đây là biện pháp mạnh nhưng gần như bắt buộc và được dự báo trước vì lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng buộc FED phải hành động mạnh tay. Trước đó, khi đại dịch bùng phát, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế - một trong những nguyên nhân đưa đến lạm phát gia tăng.

FED phản ứng quyết liệt sẽ tạo ra những tác động dây chuyền trên toàn cầu. "Ở một khía cạnh nào đó, FED là ngân hàng trung ương của thế giới và có thể khởi đầu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu", bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, nhận định.

Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp đột xuất trước khi FED đưa ra thông báo đã gây ra sự chú ý của dư luận. Có thể họ tìm cách đẩy nhanh hơn kế hoạch nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, sau đó tăng thêm vào tháng 9 năm 2022.

Ông Guy Stear, Societe Generale Bank, cho biết, ngoài suy thoái kinh tế toàn cầu, việc FED (và cả ECB) nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp lao dốc. Ông đánh giá: “Xu hướng tăng của lợi nhuận doanh nghiệp trên GDP đã "gần kết thúc" bởi quá trình phi toàn cầu hóa, chi phí năng lượng và đầu vào tăng cao, mất cân bằng trên thị trường lao động.”

Các nước Asean chống đỡ lạm phát

Theo nhiều đánh giá, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines là nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia vẫn trong tầm kiểm soát.

Các nước Malaysia và Philippines đã đưa ra động thái tăng lãi suất tương tự như FED. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) và Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) đều đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % để kiềm chế lạm phát ở mức kỳ vọng.

Lạm phát giá năng lượng đã kéo dài được một thời gian ở Việt Nam. Hệ quả là giá vận tải (bị ảnh hưởng của tốc độ tăng giá xăng dầu) tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm, trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần tăng lên.

Giá xăng tăng khiến hoạt động vận chuyển khách “khó chồng thêm khó” (Taxi đón khách tại sân bay Nội Bài – Hà Nội)

Giá xăng tăng khiến hoạt động vận chuyển khách “khó chồng thêm khó” (Taxi đón khách tại sân bay Nội Bài – Hà Nội)

Tất cả hệ thống chính trị, công quyền đều đồng thuận kêo gọi cần có các biện pháp chống lạm phát và coi đó là ưu tiên số một. Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. UBND tỉnh, thành phố được yêu cầu thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Sức ép lạm phát của Việt Nam đang rất cao, theo HSBC, giá năng lượng tăng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung lên khiến lạm phát của Việt Nam sẽ vượt trần 4% trong nửa sau của năm 2022.

Đánh giá này thấp hơn dự báo của ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ đạt mức lạm phát 4,2% (vượt qua nghị quyết của Quốc Hội) trong năm 2022 và sẽ tiếp tục gia tăng lên tới 5,5% trong năm 2023.

Trên thực tế chưa có những kế hoạch rõ nét để kiềm chế lạm phát tại Việt Nam. Cuộc sống của người dân đang rất bấp bênh và bị thả nổi theo phản ứng tự nhiên của thị trường. Giá xăng RON 95-V tăng lên 32.970 đ/lít (tháng 6 năm 2022), cao hơn 56% so với giá xăng cùng thời điểm (tháng 6 năm 2021), giá 21.010 đ/lít. Chắc chắn mức tăng giá khác quá xa so với mức lạm phát chính thức theo thống kê của Việt Nam là 2.86%.

Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có biện pháp điều chỉnh thiết thực để cuộc sống sinh tồn của phần lớn người dân đỡ căng thẳng hơn.

Lê Nam 

Viết riêng cho Thương Gia từ Praha - Cộng hoà Séc

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…