Thượng tọa Thích Minh Nhẫn hướng dẫn Đại biểu quét thẻ QR code để xem tài liệu Vesak
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thuận lợi cũng như những điểm cần lưu ý khi ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong Hoằng dương Chánh pháp. Đây là những chủ đề thu hút được nhiều tham luận của các học giả trong nước và quốc tế nhằm làm nổi bật ảnh hưởng của khoa học công nghệ với giáo dục Phật giáo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, giáo dục Phật giáo đã đóng góp không nhỏ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong đó là việc tuyên truyền, phổ biến giáo lý nhà Phật, giúp loại bớt những ngôn từ mang tính hận thù, gây chia rẽ trên không gian mạng.
"Một nhà sư đã nói: Muốn đi xa phải về gần. Chúng ta muốn phát triển vươn tới những tầm cao mới phải giữ cái gốc là đạo đức xã hội, triết lý nhân văn, hướng thiện, nền tảng văn hoá và tinh thần dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa chúng ta đi rất xa, nhưng hành trình này chỉ có ý nghĩa khi đích đến là một xã hội ổn định, một thế giới hoà bình, người dân hạnh phúc. Vì vậy, các giá trị của Phật giáo bảo vệ và phát triển sẽ tiếp tục rất hữu ích để chúng ta vững vàng tiến bước trên hành trình này", Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhận định về sự đột phá của GHPGVN trong việc số hóa văn bản hành chính
Còn theo Hoà thượng Thích Tấn Đạt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế, một tiến bộ lớn của loài người không ai có thể đảo ngược.
“Chúng ta, hàng tăng ni với trọng trách cầm ngọn đuốc chánh pháp, với trí tuệ của người con Phật cùng tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời rất cần học hỏi, nắm bắt và tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng này để áp dụng vào lĩnh vực hoằng pháp độ sinh. Làm được như thế, chúng ta sẽ hoằng truyền giáo lý vi diệu của Đức Phật một cách hữu hiệu trong thời đại văn minh với những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật” - Hoà thượng Thích Tấn Đạt nói.
Tuy nhiên, với trải nghiệm của bản thân, Hoà thượng Thích Tấn Đạt nhấn mạnh, dù nền văn minh loài người phát triển như thế nào, dù xã hội chúng ta chuyển biến ra sao, việc tu tập, trau dồi Tam vô lậu học, chí nguyện độ sanh và lộ trình giải thoát, giác ngộ vẫn là cứu cánh cho bản thân mỗi người, cho tăng ni Phật tử cũng như toàn xã hội…