Các nhà đầu tư lớn đều có mặt tại Phú Quốc đón đầu sóng lớn trở thành Đặc khu kinh tế . Ảnh: dự án Sonasea Villas & resort
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Trước đó, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh. Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc về các loại dự án được áp dụng thời hạn sử dụng đất đến 99 năm; đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).
Song cần nghiên cứu đặc thù của mỗi đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để ban hành quy định phù hợp về thời hạn sử dụng đất.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu cần thể hiện tính vượt trội so với quy định đang áp dụng đối với các khu kinh tế trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nghiêm cứu chính sách và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.
Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 1 Điều 32). Theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.
Về quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tại đặc khu kinh tế, dự thảo Luật đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn, giảm mức ưu đãi, có tính đến điều kiện của từng đặc khu theo hướng: thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả đời dự án ; rút ngắn thời hạn được hưởng ưu đãi so với dự thảo Luật Chính phủ trình đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu; quy định mức miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của các dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc thấp hơn so với hai đặc khu còn lại nhằm phù hợp với hiện trạng sử dụng đất ở Phú Quốc.
Một số đại biểu cho rằng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự thảo Luật là quá cao, cần xem xét, điều chỉnh cho hợp lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉ tập trung ưu đãi đối với các dự án đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược và dự án thuộc một số ngành, nghề ưu tiên phát triển mang tính mũi nhọn ở từng đặc khu.
Quy định của dự thảo Luật cũng giảm thời hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 3 trường hợp: thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu; thu nhập của dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; thu nhập từ đầu tư kinh doanh bất động sản.
Về thuế suất kinh doanh casino, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, thuế suất với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng là 35%; kinh doanh đặt cược là 30%. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nêu trên trong dự án của nhà đầu tư chiến lược.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo Luật đều gắn với các dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô vốn đầu tư tối thiểu lớn (45.000 tỷ đồng) và được xác định thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu.
Cơ quan này cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, đây là các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao, trong dài hạn có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; nhiều đặc khu kinh tế của các nước cũng phát triển loại hình dịch vụ này. Do đó, cần có chính sách ưu đãi thuế hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn”, cơ quan này đánh giá.