Đó là một trong nhiều nội dung có trong Quyết định số 3367/QĐ-BVHTTDL vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch của Bộ VHTTDL nhằm cụ thể hóa các quan điểm mục đích, yêu cầu của Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức phân công cụ thể đối với từng đơn vị thuộc Bộ VHTTDL thực hiện từng nội dung của công việc, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực. Kế hoạch xác định các nhiệm vụ thuộc 2 lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL, gồm Du lịch và Văn hóa.
Đối với lĩnh vực Du lịch trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ: tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển, phát triển các sản phẩm du lịch biển gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng ven biển và hải đảo; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao ở một số địa bàn trọng điểm, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, các tuyến du lịch ra đảo trung bờ, xa bờ và các chính sách liên quan khác tạo sự phát triển đột phá cho du lịch biển; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến đường ven biển để đẩy mạnh phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng, công viên biển, đô thị ven biển, tạo sản phẩm du lịch biển đặc sắc; xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ở các địa bàn có lợi thế về phát triển du lịch các tỉnh ven biển; tổ chức các lễ hội tôn vinh văn hóa biển, ẩm thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn này, Bộ VHTTDL giao TCDL thực hiện 3 nhiệm vụ cụ thể: Phối hợp với các địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển bền vững du lịch biển đến năm 2030; Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển tuyến du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ.
Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối với các tuyến du lịch quốc tế. Đặt mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; xây dựng phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển các trung tâm du lịch lớn tại vùng biển Duyên hải Trung Bộ; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; thí điểm tổ chức các tuyến du lịch ra các đảo gần, trung, xa bờ.
Nhiệm vụ đối với lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao năng lực phục vụ của các thư viện, trung tâm văn hóa biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; tuyên truyền, giáo dục văn hóa yêu biển cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; sưu tầm, phục dựng, khai thác các lễ hội truyền thống; bảo tồn các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, không gian văn hoá, kiến trúc và di sản thiên nhiên tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.