Người thắng, kẻ thua là ai trong gói thầu hơn 6.200 tỷ đồng tại sân bay Long Thành?

Gói thầu số 4.7 của Dự án thành phần 3, sân bay Long Thành về tay Liên danh ACC...

Mô phỏng sân bay Long Thành
Mô phỏng sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa ký Quyết định số 3828/QĐ - TCTCHKVN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 4.7 “Thi công xây dựng & lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác của Dự án thành phần 3, sân bay Long Thành.

Theo đó, Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy là đơn vị trúng thầu.

Giá trúng thầu gần 6.268 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 1,6%; thời gian thực hiện hợp đồng là 23 tháng, rút ngắn 2 tháng so với tiến độ mời thầu 25 tháng. Thời gian trên không bao gồm trường hợp bất khả kháng và gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (nếu có). Hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh.

Nhà thầu bị loại là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Công ty Cổ phần Lizen, Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH Hoà Hiệp và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải do thành viên là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về tư cách hợp lệ.

Cụ thể Hoàng Long không trong trạng thái bị tạm ngừng hoặc chấm dứt tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ 30/6/2024 vì chưa đóng phí đúng hạn đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu. Được biết, các nhà thầu phải đóng phí mỗi năm là 330.000 đồng. Số tiền này nhằm duy trì tên và hồ sơ năng lực khi tham gia đấu thầu.

Ngày 13/8, Tập đoàn Đèo Cả đại diện cho Liên danh 2 đã có đơn khiếu nại và kiến nghị gửi tới ACV, khẳng định công ty Hoàng Long đảm bảo tư cách hợp lệ theo quy định Luật đấu thầu, và yêu cầu ACV đánh giá Liên danh 2 đạt yêu cầu bước đánh giá kỹ thuật.

Đèo Cả cho rằng công ty Hoàng Long đã tuân thủ quy định tại khoản d, điểm 1, Điều 5 của Luật Đấu thầu: "Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư".

Đồng thời cũng trong ngày 13/8, Tập đoàn Đèo Cả có văn bản gửi Cục Quản lý Đấu Thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến, làm rõ tư cách hợp lệ của nhà thầu.

Trả lời văn bản của Tập đoàn Đèo Cả, ngày 15/8, Cục Quản lý Đấu Thầu cho biết, nhà thầu (là tổ chức) đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ khi tham gia dự thầu các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu “không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống” để bảo đảm tư cách hợp lệ như đối với đấu thầu qua mạng là không phù hợp.

Căn cứ văn bản ngày 15/8 của Cục Quản lý Đấu Thầu, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục có đơn kiến nghị lần 2 vào ngày 15/8 gửi tới ACV, khẳng định việc ACV đánh giá nhà thầu Hoàng Long không đáp ứng điều kiện là sai quy định Luật đấu thầu.

Đến ngày 20/8, Liên danh Đèo Cả tiếp tục có kiến nghị lần 3 gửi ACV. Họ cho rằng trong lĩnh vực đấu thầu, Luật đấu thầu cũng là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Do đó trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật khác liên quan thì ưu tiên áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu để giải quyết kiến nghị và giải quyết tranh chấp tại tòa án. Dù đã gửi nhiều đơn kiến nghị, Liên danh Đèo cả vẫn không được ACV chấp nhận.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).