Đề xuất không thảo luận về 8 dự án BOT “vỡ” doanh thu tại kỳ họp Quốc hội

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút nội dung đề xuất sử dụng ngân sách để mua lại 8 dự án BOT “vỡ” doanh thu ra khỏi phiên họp của Quốc hội đang diễn ra.
Đề xuất không thảo luận về 8 dự án BOT “vỡ” doanh thu tại kỳ họp Quốc hội

Rút khỏi chương trình kỳ họp Quốc hội vụ mua lại 8 dự án BOT “vỡ” doanh thu

Theo kế hoạch, nội dung xem xét mua lại 8 dự án BOT “vỡ” doanh thu sẽ được trình để Quốc hội xem xét trong kỳ họp Quốc hội thứ 4 đang diễn ra, tuy nhiên nội dung này vừa được Thường vụ Quốc hội thông báo rút ra khỏi các phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội lần này.

Theo đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT là nội dung rất khó và phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể và chưa có tiền lệ, các giải pháp đưa ra nếu không bảo đảm chặt chẽ sẽ rất khó được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.

Do vậy, đề xuất sử dụng ngân sách để mua lại 8 dự án BOT bị vỡ phương án tài chính cần được nghiên cứu kỹ hơn để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định rút nội dung này ra khỏi phiên họp của Quốc hội đang diễn ra.

8 dự án BOT "vỡ" doanh thu
Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp dùng hơn hơn 13.000 tỷ đồng để mua lại 8 dự án bị vỡ phương án tài chính

Bộ GTVT đề xuất chi hơn 13.000 tỷ đồng mua lại 8 BOT bị vỡ doanh thu

Trước đó, Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải đã đưa ra giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 13.000 tỷ đồng để mua lại 8 dự án bị vỡ phương án tài chính, trạm thu phí “chết yểu”.

Cụ thể, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp QL3 đoạn Km75 - Km100. Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư đã tổ chức thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ tháng 1/2018.

Đối với trạm QL3, do bất cập, người dân tụ tập phản đối nên nhà đầu tư chưa được thu phí, dẫn đến doanh thu chỉ đạt khoảng 9,9% so với hợp đồng, gây phá vỡ phương án tài chính.

Ngoài 2 dự án nêu trên, 6 dự án khác được Bộ GTVT đề xuất xử lý bất cập bao gồm: Dự án hạng mục đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6; Dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C.

Bộ GTVT cho biết, theo tính toán sơ bộ, nguồn vốn nhà nước dự kiến cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập khoảng 13.115 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

"Giải pháp xử lý các vướng mắc của 8 dự án BOT nêu trên là kết quả thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu của Quốc hội về xử lý triệt để vướng mắc, bất cập các dự án BOT", Bộ GTVT cho hay.

Có thể bạn quan tâm