Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ.
Nội dung đáng chú ý của dự thảo là đề xuất ô tô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm, kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành; nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin sẽ góp phần làm giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô chạy pin, từ đó khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng xe ô tô chạy pin, đảm bảo phù hợp với xu hướng của thế giới về phát triển, sử dụng xe ô tô thân thiện với môi trường.
Lấy ví dụ phân khúc xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, nếu khách hàng mua ô tô điện VinFast VF34 có giá bán hơn 690 triệu đồng, thông thường sẽ phải nộp 70 - 80 triệu đồng nhưng nếu được giảm 50% thì chỉ phải nộp 35 - 40 triệu đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin bằng 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chạy xăng, dầu cùng loại trong 5 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Do đó, số thu thuế lệ phí trước bạ đối với các dòng xe ô tô khác sẽ giảm vì khi đó người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng xe ô tô điện chạy pin thay thế cho các loại xe ô tô khác.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, lệ phí trước bạ là nguồn thu 100% ngân sách địa phương. Thống kê các năm gần đây cho thấy số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu lệ phí trước bạ (năm 2017 chiếm 69%, năm 2018 chiếm gần 70%, năm 2019 chiếm 74,6%, năm 2020 chiếm khoảng 79%).
Bộ Tài chính dự kiến mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chạy pin (theo sản lượng hiện nay của một doanh nghiệp), với mức thuế phổ biến giảm là 5%, ước khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã kiến nghị Chính phủ thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ 5 năm với ô tô điện.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của Vingroup.
Kết quả lấy ý kiến cho thấy, nhiều bộ, ngành đã ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp này. Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với kiến nghị chính sách ưu đãi cho xe chạy điện và trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, phát triển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện là một trong số biện pháp giúp giảm phát thải nhà kính theo các cam kết quốc tế về môi trường. Do đó, để khuyến khích phát triển xe điện, Bộ Tài Chính nên có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp như thuế tiêu thu đặc biệt và lệ phí trước bạ.
Trong khi đó, phía Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là "có thể xem xét".
Theo Bộ Tài chính, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện ở 3 mức độ tương ứng với ba chủng loại xe khác nhau. Xe ô tô điện dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất 15%, xe chở người từ 10-16 chỗ ngồi là 10% và xe từ 16-24 chỗ ngồi là 5%.
Đối với lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết hiện nay mới chỉ có ưu đãi với xe bus sử dụng năng lượng sạch nhằm góp phần khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, chưa ưu đãi đối với xe cá nhân.
Chính vì vậy, để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội, vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật. Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đây là thẩm quyền của Chính phủ.