Đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP

Theo Chiến lược nợ công đến năm 2030 mới được phê duyệt, tới năm 2030, chỉ tiêu tiêu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.
Đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Chiến lược).

Với giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.

Tới năm 2030, chỉ tiêu tiêu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu NSNN. Còn nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, kiểm soát tỷ lệ bội chi NSNN và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách trong điều hành ngân sách nhà nước hằng năm phải, đảm bảo trong ngưỡng cho phép.

Phát hành đều đặn trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn chuẩn, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Bên cạnh đó, linh hoạt phát hành các kỳ hạn dưới 5 năm, phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Việc phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển và cơ cấu lại nợ của Chính phủ sẽ được thực hiện khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Chính phủ yêu cầu tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay đến cuối năm 2020. Việc huy động vay mới vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ.

Ngoài ra, xây dựng một số chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng theo từng mục tiêu ưu tiên thay cho cách tiếp cận dự án riêng rẽ, phân tán. Đồng thời, nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách để tăng tính chủ động trong quản lý sử dụng vốn vay.

Với nghĩa vụ nợ dự phòng Chính phủ cũng kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo nguồn trả nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Ngoài ra, quản lý các khoản bảo lãnh, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả trong phạm vi hạn mức bảo lãnh, tập trung ưu tiên nguồn vốn để bảo lãnh cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh, Chính phủ sẽ đặt mục tiêu kiểm soát để không vượt quá tốc độ tăng GDP của năm trước.

Với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Chính phủ hướng tới mục tiêu đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý nợ nước ngoài quốc gia cho phù hợp với tính chất vốn vay ngắn hạn, trung và dài hạn, tính chất và mức độ rủi ro của từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để áp dụng biện pháp kiểm soát luồng vốn trong quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/4/2022. Quyết định này thay thế Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2021-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xem thêm

Gắn trách nhiệm trong quản lý, điều hành nợ công

Gắn trách nhiệm trong quản lý, điều hành nợ công

Sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công, luật đã bộc lộ một số bất cập như: Chưa có phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư
Nợ công đang được quản lý như thế nào?

Nợ công đang được quản lý như thế nào?

Dù đánh giá cao nỗ lực kiểm soát nợ công của Chính phủ, song PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn lo ngại tỷ lệ trả nợ/thu ngân sách nhà nước vẫn còn khá cao.

Có thể bạn quan tâm