ĐHCĐ Tập đoàn FLC: Bamboo Airways sẽ sớm cất cánh, huy động 3.000 tỷ cho dự án Quảng Bình

Chia sẻ với cổ đông, ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC khẳng định: “100% Bamboo Airways sẽ được cấp phép bay và cất cánh vào cuối năm 2018”. Tập đoàn sẽ xoay sở nhiều nguồn vốn để phát tr
ĐHCĐ Tập đoàn FLC: Bamboo Airways sẽ sớm cất cánh, huy động 3.000 tỷ cho dự án Quảng Bình

Sáng 12/6, CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2018 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, sửa đổi điều lệ công ty, chia cổ tức, kế hoạch phát hành tăng vốn lên hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Ông Lã Quý Hiển, Phó TGĐ FLC đọc tờ trình 03 về phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 với tỷ lệ cổ tức 4% bằng cổ phiếu. Với mức vốn điều lệ hiện tại gần 6.826 tỷ đồng, Tập đoàn FLC ước tính sẽ phải phát hành thêm khoảng 27,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng giá trị mệnh giá 273 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, FLC dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 6.854 tỷ đồng.

Hồi đầu năm 2018, FLC đã thực hiện đợt phát hành hơn 44 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 7% của năm 2016 cho cổ đông và chia 3% bằng tiền mặt.

Ngoài đợt phát hành chia cổ tức, Tập đoàn FLC còn trình ĐHCĐ thường niên thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu “khủng” tăng vốn lên 10 nghìn tỷ đồng. Theo tờ trình 04, FLC muốn phát hành tối đa 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng giá trị 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 100:42 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được mua thêm 42 cổ phần) trong trường hợp giả định phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đạt tối đa là 27,3 triệu cổ phần và tổng lượng phát hành trong mọi trường hợp không quá 300 triệu cổ phần.

Mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/CP, cao gấp đôi so với thị giá FLC hiện giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ ở mức 5.000 đồng/CP. 

Trong trường hợp số lượng cổ phần bán được chỉ đạt 50% lượng chào bán, số cổ phần không bán hết và vốn huy động không đạt mức dự kiến, HĐQT sẽ điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn để thực hiện kế hoạch đầu tư. Dự kiến thực hiện phát hành vào quý 3/2018 sau khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận.

FLC cho biết sẽ dùng 3.000 tỷ đồng phát hành thêm để đầu tư dự án Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.  Đợt phát hành 300 triệu cổ phiếu tới đây sẽ là đợt tăng vốn “khủng” tới 50% so mức vốn hiện tại, giúp FLC đạt mục tiêu tham vọng 10 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Cổ đông chất vấn HĐQT vì sao liên tục phát hành tăng vốn lớn, trong khi thị giá cổ phiếu FLC sụt giảm mạnh, nằm dưới mệnh giá nhiều năm?

Sau các đợt phát hành, cổ phiếu FLC tiếp tục bị pha loãng, thị giá trên sàn giảm mạnh xuống còn quanh mức 5.000 đồng/CP (phiên sáng ngày 12/6/2018).

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ: dự án Quảng Bình đã được đầu tư từ năm 2016 với quy mô 2000ha, mức vốn đầu tư tới 10 nghìn tỷ đồng. Song thời điểm đó gặp trục trặc do ảnh hưởng sự cố Formosa. Năm 2017, dự án được khởi động lại, FLC xây dựng 1 con đường lớn, khánh thành 2 trên 10 sân golf, hạ tầng được thi công nhanh. Các sản phẩm nhà phố, căn hộ hiện đã được đặt chỗ mua rất lớn. Tập đoàn hiện cũng chưa vay mượn ngân hàng nào.

Nếu giá cổ phiếu dưới mệnh giá thì FLC sẽ không phát hành 300 triệu cổ phiếu tăng vốn cho dự án này.

Về giá cổ phiếu, ông Quyết cho biết “Đúng là ĐHCĐ năm trước tôi phấn đấu đưa cổ phiếu về mệnh giá 10.000 đồng/CP, song hiện tại giá cổ phiếu vẫn loanh quanh 5.000-9.000 đồng/CP, chưa tăng như kỳ vọng, khiến cổ đông rất buồn. Thị trường từ tết đến giờ chao đảo, giá cổ phiếu FLC có sụt giảm song không bị bán tháo mạnh qua các đợt bão”.

Nhưng, ông Quyết trấn an cổ đông nên “chịu đựng” thêm thời gian nữa vì cổ phiếu sẽ không dừng ở mệnh giá đâu. Tất cả các dự án mà FLC đang đầu tư đều làm nhiều hơn nói, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng cao, chỉ riêng giá cổ phiếu chưa “bay” cao thôi.

Tôi khẳng định quý cổ đông mà giữ cổ phiếu FLC thì chắc chắn có ngày hái quả. 

Cổ đông đề nghị HĐQT làm rõ kế hoạch phát triển hãng hàng không Bamboo Airways?

Ông Trịnh Văn Quyết: Chủ trương mở hãng hàng không đã có từ lâu, và FLC đã từng phát triển dịch vụ trực thăng song không phù hợp thực tiễn, đã dừng kinh doanh. Đến năm 2017, tập đoàn đã quyết định sẽ đầu tư làm hãng hàng không. Hiện, tập đoàn đã thành lập công ty Bamboo Airways có trụ sở đặt tại sân bay Phù Cát- Quy Nhơn.

“Trong thời gian tới, sẽ có 20 máy bay của tập đoàn về đến Việt Nam và chắc chắn sẽ được cấp phép và máy bay sẽ bay trong năm 2018”, ông Quyết khẳng định. Đội tàu bay này là máy bay thuê từ nước ngoài để đảm bảo tiến độ cất cánh ngay cuối năm 2018.

Theo kế hoạch, lô 24 máy bay mà FLC đặt mua của Airbus sẽ bàn giao dần trong năm 2019.

Tới đây, FLC sẽ tiếp tục đặt mua 20 máy bay Boeing 787 với bước tiếp theo là kí thoả thuận mua trong chuyến đi Mỹ cuối tháng 6. Trong vài tháng tới, công ty sẽ đặt cọc mua cho hãng Boeing. HĐQT và Ban tổng giám đốc sẽ có cách “xoay sở” các nguồn vốn vay để đảm bảo tài chính mua máy bay, phát triển hãng bay Bamboo.

Cổ đông cũng chất vấn vì sao FLC không đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận (chỉ đạt 385 tỷ đồng, đạt 39,1% kế hoạch đề ra) mà ĐHCĐ năm trước thông qua.

Ông Lã Quý Hiển: kế hoạch đặt ra là 13 nghìn tỷ đồng doanh thu nhưng năm 2017 chỉ đạt hơn 12.300 tỷ đồng, vẫn tăng gấp đôi so với năm 2016. Ban lãnh đạo đã đặt mục tiêu doanh thu khá sát, song thực tế có một vài yếu tố khiến cho kết quả đạt thấp hơn.

Về lợi nhuận, do tập đoàn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là bất động sản, còn doanh thu các mảng khác giảm đi đáng kể. Hơn nữa, có sự chuyển dịch cơ cấu kinh doanh để đảm bảo đẩy mạnh hiệu quả của mảng bất động sản.

Theo tài liệu công bố ngày 4/6, năm 2018 Tập đoàn FLC đặt mục tiêu sẽ tăng doanh thu thêm 20% lên mốc kỷ lục 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 980 tỷ đồng và lãi sau thuế 784 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm trước. Nhưng ngay trước ngày ĐHCĐ, HĐQT đã gửi tờ trình mới điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu xuống còn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 560 tỷ đồng.

>> Quý 1/2018: Doanh thu Tập đoàn FLC tăng 40%, lợi nhuận sụt giảm chỉ đạt 139 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...