Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Vietnam At A Glance đầu tiên của năm 2024 với tiêu đề “Đông sang, xuân cũng không muộn màng” với nhận định Việt Nam đang chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới, tuy nhiên, rủi ro vẫn cần được quan sát chặt chẽ.
KHÔNG DỄ ĐỂ CÓ CÁI KẾT TÍCH CỰC
Theo HSBC, năm 2023 không phải một năm dễ dàng đối với Việt Nam. Bấp chấp bối cảnh gập ghềnh, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực để năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm Việt Nam vươn lên mạnh mẽ. GDP trong quý 4/2023 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,1%, phù hợp với dự báo của HSBC đưa ra từ tháng 7/2023 là 5% và cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 4,6%.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, chứng kiến sự cải thiện đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm 2023 so với sự trì trệ nghiêm trọng trong nửa đầu năm. Mặc dù vẫn còn hạn chế đáng kể so với mức bình quân trước đây và thậm chí còn chậm hơn cả trong đại dịch, sản xuất đã cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong mảng điện tử.
“Bên cạnh lĩnh vực sản xuất cải thiện, ngành dịch vụ sôi động của Việt Nam tiếp tục mang lại sự trợ lực vốn rất cần thiết cho nền kinh tế. Dịch vụ trong quý 4 đã tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ các lĩnh vực liên quan đến du lịch như bán lẻ, vận tải và lưu trú. Khi mà người dân có tâm lý muốn đi du lịch bù hậu đại dịch, Việt Nam có lý do để ăn mừng vì được vinh danh là điểm đến di sản của thế giới lần thứ tư”, Báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực dịch vụ đều được hưởng lợi tương đương như du lịch. Giữa nhóm dịch vụ liên quan tới du lịch và các dịch vụ phi du lịch liên tục tồn tại sự khác biệt.
Mặc dù có chút cải thiện, dịch vụ bất động sản vẫn còn yếu và có thể phải đối mặt với nhiều thách thức về trả nợ trái phiếu trong năm mới. Tăng trưởng của tiêu dùng cá nhân đã giảm hơn một nửa trong năm 2023 so với xu hướng trước đại dịch là 7%.
“Điều này phản ánh một loạt các yếu tố như ảnh hưởng do lĩnh vực thương mại trì trệ, ngành bất động sản suy yếu và tâm lý người tiêu dùng thận trọng trước môi trường vĩ mô nói chung. Sau tất cả thì doanh số bán lẻ hàng hóa vẫn thấp hơn 4% so với xu hướng trước đại dịch”, HSBC nhận định.
Báo cáo nhận định, lĩnh vực bên ngoài dần phục hồi mang lại tin vui cho cán cân vãng lai của Việt Nam, đồng thời cũng giúp bảo vệ cho đồng VND. Sau hai năm liên tiếp thâm hụt cán cân vãng lai, Việt Nam đang trên đà thặng dư trở lại và thặng dư cũng ở mức khá lớn. Nhờ lượng kiều hối ổn định, doanh thu du lịch tăng và đặc biệt là tình hình thương mại cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2023, cán cân vãng lai, được tính toán trên cơ sở bốn quý gần nhất, thặng dư tính đến quý III/2023 đạt gần 5% GDP, tương đương với các mức cao trong lịch sử.
Đối với thị trường lao động, trải qua nhiều thay đổi lớn về cơ cấu trong những năm gần đây, nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động mà 25% trong số đó vẫn đang làm việc trong những ngành nghề không đòi hỏi kỹ năng, trước khi vấn đề già hóa dân số trở nên hiển hiện hơn. Tốc độ gia tăng dân số trong độ tuổi lao động đã chậm lại trong vòng một thập kỷ qua và được dự báo tới năm 2038 sẽ âm trưởng theo ước tính dân số của Liên Hợp Quốc, sớm hơn so với các Thị trường Mới nổi khác trong khu vực.
“Hiện trạng này sẽ dấy lên nhiều câu hỏi về việc Việt Nam đã "già sớm" trước khi "trở nên giàu hơn". Điều may mắn là Việt Nam đã tận dụng vị thế là một "thỏi nam châm" thu hút FDI, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ lớn nhằm trang bị đào tạo về công nghệ cao cần thiết cho lực lượng lao động. Trong khi đó, chú trọng vào giáo dục cũng là một trọng tâm quan trọng. Nhìn vào bảng xếp hạng toàn cầu về kết quả đánh giá học sinh quốc tế, Việt Nam nổi bật hẳn so với trong khu vực, chỉ đứng sau Singapore”, HSBC nhận định.
NHỮNG HY VỌNG CHO NĂM MỚI
Theo HSBC, năm 2024 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Mặc dù chu kỳ thương mại là yếu tố mang tính ngắn hạn, FDI phản ánh tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Việt Nam được biết đến rộng rãi là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm đạt, khoảng 5% GDP. Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia.
Xét về nguồn FDI, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm, nhưng Trung Quốc đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tổng cộng, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Macau chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023. Đáng chú ý trong năm qua, phần lớn vốn FDI là đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên.
“Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài điện tử, các nhà đầu tư cũng ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các tập đoàn Nhật Bản đã đón đầu từ sớm”, HSBC nhận định.
Đáng chú ý, khi nói đến FDI, một diễn biến quan trọng cần quan sát chặt chẽ trong năm 2024 chính là việc triển khai thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1. Trước đó, tháng 10/2023, 135 nước nhất trí với giải pháp hai trụ cột (Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận - Base Erosion Profit Shifting: BEPS) nhằm cải cách khung tính thuế quốc tế để giải quyết những thách thức từ việc đánh thuế trong lĩnh vực kinh tế số.
Theo trụ cột 2 của BEPS, các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu trên 750 triệu Euro (tương đương 825 triệu USD) sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Liên minh châu Âu EU và một số quốc gia khác dự kiến triển khai Trụ cột 2 từ năm 2024 còn các nước còn lại cũng thể hiện sẽ sẵn sàng áp dụng từ năm 2025. Ở Việt Nam, 122 công ty nước ngoài sẽ đối diện với mức tăng vọt về chi phí thuế, ước tính tạo ra nguồn thu ngân sách trị giá 600 triệu USD mỗi năm.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá được tác động nhưng theo đánh giá của HSBC, những tác động này có thể nằm trong tầm kiểm soát. Cần theo dõi chặt chẽ cách quản lý nguồn ngân sách bổ sung từ thuế cũng như những phương pháp đi kèm hoặc ưu đãi khác sẽ được áp dụng nhằm bù đắp cho mức thuế tăng lên. Song song với việc bật đèn xanh cho tăng thuế, các cơ quan quản lý cũng đã lên kế hoạch nghiên cứu ban hành những ưu đãi cụ thể trong năm 2024.
HSBC cho rằng, để đi đến một quyết định đầu tư thì thuế là yếu tố tối quan trọng, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định số phận các dòng vốn FDI. Vì vậy, điều quan trọng là cần cải thiện các chỉ số khác, chẳng hạn như mức độ kết nối hạ tầng, mức độ dồi dào của lực lượng lao động có tay nghề, sự thuận lợi trong kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do… Thêm nữa, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chuẩn bị áp dụng mức thuế tối thiểu này, các nước ASEAN khác cũng đang nghiên cứu triển khai tương tự.
Mặt khác, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. Năm 2023, lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong mức kiểm soát, bình quân ở mức 3,3%, phù hợp với dự báo của HSBC. Trong năm 2024, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%. Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi.
“Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024”, nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo.