Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bán nhà đất, xe... để duy trì hoạt động

Do những bất ổn của thị trường thời gian qua, nên hệ thống doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng mở cửa bán hàng càng lỗ. Và để có tiền duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã phải bán nhà đất, xe...

Do những dị biệt của thị trường xăng dầu thế giới, thời gian qua việc kinh doanh xăng dầu ở nước ta đã gặp không ít những khó khăn. Từ các doanh nghiệp phân phối, cho đến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều gặp phải những tác động tiêu cực khác nhau.

Nỗi buồn của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Chia sẻ với Thuonggia, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hơn một năm nay họ càng kinh doanh càng lỗ. Hơn 1 năm nay, họ không biết nhận lương là gì. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phá sản và rất nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Một doanh nghiệp chia sẻ: “Từ trước tới nay, người dân cứ mặc định làm cây xăng là đại gia, là giàu có lắm. Nhưng thực sự họ đâu thấm, đâu hiểu những nỗi khổ của doanh nghiệp xăng dầu. Thời điểm khi đầu mối chiết khấu về 500 - 700đồng/lít, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ai cũng nghĩ là khó khăn chung của ngành, là do dịch bệnh, hậu dịch bệnh. Nhưng khi xuất hiện tình trạng chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mới bừng tỉnh tìm kiếm nguyên nhân. Đến giờ nguyên nhân thì cả ngành, cả xã hội đều biết rồi. Có thể nói, doanh nghiệp bị đưa vào tình thế lướt sóng "chiết khấu" xăng dầu còn gian nan và sốc hơn thị trường chứng khoán”.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bán nhà đất, xe... để duy trì hoạt động
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bán nhà đất, xe... để duy trì hoạt động

Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác chua xót nói: Họ mới vào nghề - tức bắt đầu kinh doanh xăng dầu từ 2019 nhưng đến thời điểm này đã phải bán đi một xe container và một miếng đất để bù lỗ. Giai đoạn 2022, có thời điểm doanh nghiệp này bán hàng được 3 ngày thì lại phải nghỉ 2 ngày vì các doanh nhân phân phối từ chối bán hàng. Không có nguồn hàng để bán họ phải đi mua chỗ khác, nhưng chỉ tính tiền vận chuyển thôi doanh nghiệp này đã âm 500đồng/1lít rồi. Càng bán, càng lỗ nên họ phải cầm cố 3 miếng đất và bán những tài sản như trên đã nói để duy trì hoạt động. Tới lúc không thể cầm cự được nữa doanh nghiệp này phải báo bên quản lý thị trường và Sở Công thương là phải bán bớt một cây xăng đi. "Chứ cứ duy trì có bán nhà đi cũng không đủ tiền để phục vụ người tiêu dùng nữa" vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở ĐBSCL tâm sự: “Tôi phải duy trì vì có những hợp đồng cung cấp xăng, dầu cho một số doanh nghiệp chuyển phát nhanh, taxi và một số doanh nghiệp vận chuyển lớn. Thứ nhất là để giữ mối quan hệ, kế đến là họ đã chuyển tiền trước nên tôi vẫn phải bán hàng. Để duy trì hoạt động, tôi đã phải bán mấy thửa lúa, nhà và đất rồi. Nhưng càng bán càng lỗ, tôi thấy sức chịu đựng doanh nghiệp của mình gần không chịu nổi rồi”.

Giải pháp nào để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “cắt lỗ”?

Mới đây, công đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có kiến nghị đề nghị xem xét hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Các cơ quan cần phải có giải pháp để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “cắt lỗ”
Các cơ quan cần phải có giải pháp để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “cắt lỗ”

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả lại phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như sau: Căn cứ Nghị định 83/2014/NĐ-CP; Căn cứ Nghị định 95/2021/NĐ-CP; đặc biệt căn cứ vào Thông tư 104 của Bộ Tài chính ngày 18/11/2021. Tại khoản 1, Điều 7 ghi nêu:

“Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa”.

Cụ thể, trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1050đ/lít và Lợi nhuận định mức là 300đ/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Còn lại mới phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ.

Đó là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

"Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho chúng tôi lỗ lã nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ nhằm phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính của cơ quan chức năng, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức DNBL".

Điều quan trọng cần xem xét là: Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực tế không phải nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối. Họ phải bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mua hàng của doanh nghiệp đầu mối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0đ, thậm chí là âm, nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.

Căn cứ vào Thông tư 104 nêu trên thì 2 khoản này đều có nêu rõ là có cả chi phí bán buôn thuộc về sỡ hữu của doanh nghiệp đầu mối và chi phí bán lẻ thuộc về sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, nhưng thời gian qua doanh nghiệp mối đã định đoạt hầu hết phần này. Chính vì thế, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị: Liên bộ Tài Chính - Công thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1350đ chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhận được bao nhiêu đồng?. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị “chiếm đoạt”.

Ví dụ: Sau khi thẩm định, phân định lại mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là 900đ/lít mà mới nhận được có 100đ/lít thì đề nghị Hội đồng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thêm 800đ/lít nữa, đồng thời thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kể từ ngày 01/11/2021 khi Nghị định 95 ban hành cho đến nay.

Xem thêm

Bị phạt quá nhiều, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị về giải pháp lâu dài

Bị phạt quá nhiều, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị về giải pháp lâu dài

Theo giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội của Bộ Công Thương, năm 2022 và đầu 2023, Quản lý thị trường đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng...

Có thể bạn quan tâm