Doanh nghiệp BĐS lại là "quán quân" phát hành trái phiếu

Trong năm 2021 và tháng đầu tiên của năm 2022, trái phiếu lĩnh vực bất động sản tiếp tục ghi nhận số lượng phát hành lớn nhất.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD (gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng); lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp BĐS chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.

Còn số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2022, nhóm doanh nghiệp BĐS tiếp tục giữ vị trí quán quân trên thị trường phát hành trái phiếu với giá trị đạt 14.470 tỷ đồng. Trái phiếu xây dựng là 7.130 tỷ đồng, chiếm 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Trong đó, nhóm ngành BĐS: CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm, CTCP Phát triển Đất Việt có khối lượng phát hành lớn thứ hai với 1.600 tỷ đồng, với mức trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Còn trong nhóm ngành Xây dựng, CTCP Xây dựng Minh Trường Phú và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả 2 mã trái phiếu đều có kỳ hạn 1 năm.

Nhìn chung toàn thị trường, trong tháng 1 vừa qua đã có tổng cộng 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 25.923 tỷ đồng. Con số này sụt giảm mạnh so với tháng 12/2021 khi có tới tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 65.757 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 03/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra và rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro về việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Sau đó, phía Ngân hàng Nhà Nước cũng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2022. Trong đó, các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%.

Trước việc dòng vốn đổ vào BĐS bị siết chặt, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, việc Chính phủ siết chặt tín dụng đổ vào BĐS sẽ tạo khó khăn cho thị trường. 

“Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, nguồn vốn từ FDI, nguồn vốn kiều hối đổ vào thị trường BĐS tăng. Cho nên, tôi đánh giá nguồn vốn thị trường bất động sản không phải vấn đề nghiêm trọng trong năm 2022”, ông Đính cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…