Doanh nghiệp dệt may mong có gói vay ưu đãi 0% để trả lương nhân viên

Đồng thời, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh...

Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, các Hiệp hội đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy kinh doanh xuất khẩu. Trong đó đáng lưu ý là những kiến nghị của ngành dệt may.

Theo đó, dệt may là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm, song dệt may đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU.

Từ những khó khăn đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Trần Như Tùng kiến nghị trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại. Trong đó cần tập trung vào các quốc gia trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EU, những thị trường mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Doanh nghiệp dệt may mong có gói vay ưu đãi 0% để trả lương nhân viên

Ông Tùng cho rằng, cần có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như gói vay mà Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đối với gói vay này, áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và có đợt này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn Covid-19 vừa rồi, ông Tùng nói.

Về trung, dài hạn ông Tùng cho rằng, để phù hợp với chiến lược của ngành mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất ..., chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.

Ngoài những giải pháp trên, ông Tùng kiến nghị chúng ta phải xây dựng và quảng bá thương hiệu về ngành dệt may Việt Nam; hợp tác với đối tác nước ngoài để tào tạo nguồn nhân lực về thiết kế thời trang, sản xuất nguyên phụ liệu.

Đặc biệt, theo ông Tùng Nhà nước cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Tại Hội nghị, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của mình trong thời gian qua, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.

Trong đó, đối với ngành thủy sản Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh. Trong khi đó, các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lã suất vay USD lãi dưới 3%, khoảng 2,1-2,3% thì giờ đã lên đến trên 4%.

Từ những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Song song đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Xem thêm

Đề xuất giảm thuế cho xe điện và xe lai điện

Đề xuất giảm thuế cho xe điện và xe lai điện

Bộ Tài Chính cho biết việc thiếu quy định xác định tỷ trọng xăng/số năng lượng sử dụng khiến các loại xe lai điện đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt như xe chạy xăng, dầu thông thường…

Có thể bạn quan tâm