Doanh nghiệp Việt “chiếm sóng” M&A bất động sản với loạt thương vụ triệu USD

Doanh nghiệp Việt Nam đang trở thành động lực chính cho làn sóng M&A bất động sản, với hàng loạt thương vụ lớn nhỏ góp phần định hình lại thị trường...

international-jobs-1200x400.jpg
Hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản

Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất với 53% tổng giá trị giao dịch. Xu hướng nổi bật trong năm là các công ty nội địa chiếm ưu thế, đóng góp 53% giá trị M&A, phản ánh sự tái cấu trúc và củng cố của các doanh nghiệp trong nước.

HOẠT ĐỘNG M&A BẤT ĐỘNG SẢN CHIẾM 53%

Chia sẻ tại “Diễn đàn M&A Việt nam 2024”, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam.

"Thị trường M&A Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư", ông Tâm nói.

Dữ liệu của KPMG. Cho thấy, thị trường M&A của Việt Nam, ba quý đầu năm 2024 vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2024, có xu hướng các thương vụ mua bán sáp nhập không phải nhà đầu tư nước ngoài mua các công ty trong nước, mà là các công ty trong nước mua bán nhau. Do chính sách các nước bảo hộ hơn, dòng tiền ngần ngại chảy ra nước ngoài khi lãi suất ở mức cao.

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.

nguyen-cong-ai-676.jpg
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam

Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn.

Xét về cơ cấu, hoạt động giao dịch M&A 9 tháng đầu năm 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản chiếm 53%; tiêu dùng thiết yếu chiếm 14% và công nghiệp chiếm 21%. Ba lĩnh vực này chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top những thương vụ M&A lớn nhất. Các giao dịch M&A có giá trị từ 40 - 112 triệu USD cũng diễn ra trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ thông tin.

Đánh giá tiềm năng của thị trường, ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành Công ty Allen & Gledhill Việt Nam cho hay, M&A ở thị trường Việt Nam sẽ còn sôi động.

Trong đó, phải kể đến là lĩnh vực bất động sản và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là bất động sản công nghiệp sẽ nhộn nhịp các thương vụ M&A.

Với ngành bất động sản nói chung luật sư Hsiu-Hau cho rằng, sự thay đổi của Luật bất động sản với các sửa đổi tích cực cũng đã tác động đến thị trường này. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản của Việt Nam, thông qua các thương vụ M&A.

"Chúng ta đã thấy có nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản. Nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới ngoài bất động sản cũng sẽ có nhiều dự án về năng lượng tái tạo; chăm sóc sức khỏe", luật sư Hsiu-Hau nói thêm.

Tuy nhiên, luật sư điều hành Allen & Gledhill Việt Nam cho rằng, các quy trình về thủ tục pháp lý của Việt Nam hiện cũng là một trong những rào cản, mất nhiều thời gian nên buộc các thương vụ M&A cũng phải kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm.

Đồng thời, không chỉ các thủ tục kéo dài mà sự không chắc chắn trong việc có được phê duyệt hay không đã kéo dài thời gian khiến nhà đầu tư nản lòng, vì thế nếu tháo gỡ được các rào cản này sẽ đẩy nhanh được các thương vụ M&A.

Hiện tại, luật sư Hsiu-Hau nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh quy trình số hóa để có thể tinh gọn được thủ tục, giúp các thương vụ M&A có thể rút ngắn thời gian, nhằm thu hút được nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

NHỮNG THƯƠNG VỤ TRIỆU USD

Từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, ghi nhận 11 thương vụ M&A bất động sản thành công. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), có 9/11 thương vụ được cập nhật giá trị, tổng giá trị 9 thương vụ lên đến 1,8 tỷ USD,.

Cụ thể, thương vụ có giá trị lớn nhất là 982 triệu USD là Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng 55% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Sado và Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail khi nắm 41,5% vốn.

ma-bat-dong-san-soi-dong-bat-chap-dai-dich.jpg
Nhiều thương vụ lớn diễn ra trong năm 2024

Tiếp theo là thương vụ giữa Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương cho Công ty Sycamore Limited, với giá trị lên đến 554 triệu USD. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp được chuyển nhượng dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án là Công ty TNHH Sycamore, thuộc CapitaLand. Mục tiêu dự án là xây dựng khu nhà ở phục vụ người dân có nhu cầu về nhà ở.

Thương vụ thứ ba có giá trị lên đến 350 triệu USD là Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod – Đài Loan và Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đã ký kết hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp Châu Đức. Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam, diện tích khoảng 18ha tại khu công nghiệp Châu Đức.

Thứ tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (quy mô 45 ha) cho đối tác chiến lược Nhật Bản Nishi Nippon Railroad. Giá trị của lần mua bán này là 26 triệu USD.

Thứ năm, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Saphire, một công ty con thuộc Tập đoàn Khang Điền, đã nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ từ Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỷ đồng. Qua đó, công ty này sở hữu dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh có diện tích 1,9 ha tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Giá trị thương vụ này là 14 triệu USD.

Thứ sáu là Great Master PTE.LTD (Singapore) mua lại 20% tổng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Trung Khởi, với giá trị 5 triệu USD. Được biết, Trung Khởi là doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn Quảng Trị, trong đó có dự án khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú với quy mô 529 ha, tổng vốn đầu tư 4.533 tỷ đồng.

Thứ bảy, thương vụ giá trị 1 triệu USD của Kim Oanh Group đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi và Công ty NTT Urban Development về phát triển dự án khu đô thị Một Thế Giới ở Bình Dương (The One World).

diendandoanhnghiepvn-media-uploaded-352-2023-12-28-ga3.jpg
Doanh nghiệp địa ốc Việt tăng tốc

Thương vụ tiếp theo là Công ty TNHH Một thành viên đầu tư Hùng Sơn bán quyền sử dụng đất dự án tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn cho Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú, giá trị lần mua bán này khoảng 0,8 triệu USD.

Hai thương vụ chưa xác định được giá trị là Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương lên 58,05% vốn điều lệ và đưa Công ty Cổ phần Hùng Vương trở thành công ty con của tập đoàn. Cụ thể, trong tháng 8 KIDO đã có 2 lần mua hơn 9,5 triệu cổ phần và 4,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Hùng Vương để hoàn tất sở hữu 58,05% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Và Tập đoàn Mường Thanh thông báo về việc tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, thành phố Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.

Theo nhận định của VARS, ngay cả khi chưa xác định được rõ giá trị giao dịch của 2 thương vụ trên, nhưng giá trị bình quân các thương vụ M&A trong 9 tháng qua đạt mức cao nhất trong 6 năm qua và dự kiến gấp 2 lần so với năm 2023.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước đang có những kế hoạch để phát triển trong đó có M&A. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết trong nửa cuối năm 2024, tập đoàn sẽ đầu tư tài chính vào mua bán, sáp nhập công ty (M&A).

Bởi hiệu quả mang lại của việc đầu tư M&A khá cao, tuy nhiên, rủi ro cũng không kém bởi đây là hoạt động đầu tư khó. Vì vậy, Hà Đô sẽ nghiên cứu và triển khai kỹ lưỡng đối với hoạt động tài chính này.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) đang tận dụng thời gian khó khăn để tái cơ cấu. Đặc biệt, Đất Xanh tập trung toàn bộ vào những gì cốt lõi nhất để phát triển tốt hơn trong chiến lược giai đoạn 2025 - 2030. Động thái liên tục thoái vốn tại các công ty trong thời gian qua là quyết định cơ cấu lại mô hình, cắt tỉa những ngành nghề không mang lại hiệu quả như xây dựng.

Đất Xanh Group tiếp tục chuẩn bị các chiến lược hoàn thiện, đền bù 5 dự án lớn để chuẩn bị cho giai đoạn 2025 - 2030, trong đó có kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) các dự án, chuẩn bị nguồn lực và quỹ đất.

Cùng chung chiến lược với 2 doanh nghiệp trên, là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, trong năm 2024, công ty tập trung 3 chiến lược quan trọng: đầu tư và quản lý đầu tư, tài chính tổng thể (bao gồm huy động vốn), M&A và tăng trưởng. Kế hoạch doanh thu năm 2024 của Nam Long sẽ đến từ dự án Akari giai đoạn 2 và dự án Southgate.

Xem thêm

Doanh nghiệp bất động sản gian nan “về đích” lợi nhuận năm

Doanh nghiệp bất động sản gian nan “về đích” lợi nhuận năm

Doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2024 của các chủ đầu tư mà VIS Rating theo dõi đã giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng bàn giao giảm từ doanh số bán hàng yếu năm 2023. Do đó, các chuyên gia cho rằng hơn 60% chủ đầu tư sẽ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024..

Doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" vì núi hàng tồn kho

Doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" vì núi hàng tồn kho

Dù thị trường bất động sản đang dần bước vào quỹ đạo phục hồi, lượng hàng tồn kho vẫn không ngừng gia tăng, trở thành “gánh nặng” lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị có năng lực kinh doanh yếu kém…

Có thể bạn quan tâm

Cụm y tế kỹ thuật cao Tân Kiên 74ha

Khu Tây TP.HCM hấp dẫn nhà đầu tư

Bất động sản khu Tây đang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư nhờ vào những yếu tố thuận lợi và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Một trong những lý do chính thúc đẩy dòng vốn là nhờ vào hạ tầng cơ sở đang dần hoàn thiện, hệ thống giáo dục, y tế đồng bộ và đặc biệt giá nhà còn rất rẻ...

Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị TDH đăng ký bán gần 20,7 triệu cổ phiếu

Chủ tịch Thuduc House thoái gần sạch vốn

Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đăng ký bán gần 20,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 18,4% vốn của doanh nghiệp...

Hanoi Melody Residences "nóng bỏng tay" nhờ diễn biến mới

Hanoi Melody Residences "nóng bỏng tay" nhờ diễn biến mới

Tổ hợp cao cấp tại nội đô nhưng mức giá chỉ từ 62 triệu đồng/m2 cùng loạt diễn biến mới nhất khiến dự án Hanoi Melody Residences ở Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) “nóng bỏng tay” trên thị trường bất động sản Hà Nội…