Đông dược Phúc Hưng nợ gần 1,5 tỷ tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác

Theo Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 Đông dược Phúc Hưng nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác 5 tháng, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng...

Nhà máy sản xuất GMP - WHO của Đông dược Phúc Hưng

Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 2 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 6/2025.

Trong danh sách này có tên của Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng. Cụ thể, Đông dược Phúc Hưng chậm đóng 1,45 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 5 tháng.

Vào giữa năm 2018, một sản phẩm của Đông dược Phúc Hưng từng từng bị Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành tại Thành phố Hà Nội. Cụ thể, thời điểm đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ban hành công văn số 14424/QLD- CL gửi Sở Y tế Thành phố Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng về việc xử lý thuốc Tam thất bột Phúc Hưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trước kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về thuốc Tam thất bột Phúc Hưng, SĐK: VD-24513-16, số lô 041117, ngày sản xuất 21/11/2017, hạn dùng 21/11/2019 do Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn, Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành trên địa bàn Hà Nội lô thuốc trên.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đông Dược Phúc Hưng tiền thân là tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh dược liệu được thành lập năm 1993, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc y học cổ truyền. Đến tháng 11/2000 doanh nghiệp chính thức thành lập. Nhưng theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đông Dược Phúc Hưng hoạt động từ tháng 7/2009.

Quay trở lại với việc nợ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác không chỉ ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm của người lao động, mà người lao động còn không được giải quyết kịp thời các chế độ như thai sản, ốm đau…

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng

Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12 - 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm