Đồng Nai thu hút thêm 46 dự án FDI vào các khu công nghiệp

Từ đầu năm 2021 đến ngày 11/11, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thu hút được thêm 46 dự án đầu tư mới FDI với số vốn đăng ký 358,85 triệu USD.
Đồng Nai thu hút thêm 46 dự án FDI vào các khu công nghiệp

Vừa qua, ngày 17/11 ông Lê Văn Danh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, tình hình kinh tế năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai thời gian qua vẫn đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến ngày 11/11/2021, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thu hút được thêm 46 dự án đầu tư mới FDI với số vốn đăng ký 358,85 triệu USD và 8 dự án đầu tư trong nước với số vốn 1.138,75 tỷ đồng.

Đồng thời, có 94 dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm 736,64 triệu USD và 7 dự án trong nước tăng 1.248,81 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là sau một thời gian dài phải thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thu hút vốn FDI với những dự án nổi trội.

Cụ thể, ngày 15/11/2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất, gia công KSM ENG Vina có 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.

Diện tích đất sử dụng của dự án này gần 20.000 m2, chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại dùng trong các ngành công nghệ cao như: sản xuất bán dẫn, thiết bị hiển thị, hàng không vũ trụ, y tế. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2022.

Như vậy, chưa hết năm 2021 nhưng tỉnh Đồng Nai đã thu hút đầu tư đạt 1.198 triệu USD; trong đó, vốn đầu tư FDI là 1.095 triệu USD, đạt 156% kế hoạch năm 2021; vốn đầu tư trong nước là 2.387 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm.

"Trong năm 2021, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai," ông Lê Văn Danh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai khẳng định.

Về thu hút đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 8 dự án mới với số vốn 1.138,75 tỷ đồng (tương đương 49,28 triệu USD) và 7 dự án tăng vốn thêm 1.248,81 tỷ đồng (tương đương 54,04 triệu USD), nâng tổng vốn đầu tư trong nước lên 2.387,56 tỷ đồng, đạt 119,4% kế hoạch năm.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách DIZA cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, DIZA tiếp tục tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ... Hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Lê Văn Danh cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.200 ha. Trong đó 31 KCN đang hoạt động và đã cho thuê được 5.935,24 ha, đạt 84,39% diện tích đất công nghiệp cho thuê (7.120 ha). Riêng KCN Công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hạ tầng.

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 5 KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 7.100 ha, gồm: 3 KCN tại huyện Long Thành là KCN Long Đức 3 (diện tích 253 ha), KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (diện tích 2.627 ha), KCN Phước Bình 2 (diện tích 299 ha); KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (diện tích 3.595 ha tại huyện Cẩm Mỹ) và KCN Phước An (diện tích 330 ha tại huyện Nhơn Trạch).

Có thể bạn quan tâm