Du lịch Việt Nam bật tăng mạnh sau 2 năm bị dồn nén do đại dịch Covid-19

Ngành du lịch Việt Nam sau hai năm bị dồn nén lập tức chứng kiến sự hồi phục ngoạn mục khi 5 tháng đầu năm đã có tổng cộng 48,6 triệu lượt khách nội địa và 365.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu của toàn ngành trong 5 tháng đầu năm ước đạt 211.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh đến cuối năm.
Nhiều điểm đến như Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc được dự báo sẽ quá tải trong mùa cao điểm du dịch hè
Nhiều điểm đến như Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc được dự báo sẽ quá tải trong mùa cao điểm du dịch hè

Thông tin từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Đứng đầu danh sách từ khóa là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Huế, Hội An. Lượng khách từ Hàn Quốc và Mỹ du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, theo sau đó là Đài Loan, Nhật Bản. Trong lúc khách Trung Quốc vẫn chưa thể đến nước ta do quy định giãn cách, các thị trường láng giềng như Campuchia, Lào, Singapore đồng loạt tăng mạnh.

Bà Trang Bùi, Tổng GĐ Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: Du lịch là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần và là động lực thúc đẩy trao đổi văn hóa. Đây là ngành mũi nhọn quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”.

Mặc dù làn sóng du khách bắt đầu sôi động trở lại là một tin vui cho ngành, nhưng hiện tượng quá nhiều du khách đổ xô đến cũng một địa điểm trong một mùa sẽ gây ra hiện tượng quá tải du lịch.

“Nhiều năm qua, các điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt luôn hoạt động hết hoặc vượt công suất vào những dịp lễ, Tết, mùa hè và cả cuối tuần. Các cơ sở lưu trú từ hạng bình dân đến cao cấp đều đồng loạt “cháy” phòng. Hình ảnh các địa danh đông đúc người, cơ sở hạ tầng không theo kịp, mang lại những trải nghiệm tiêu cực cho cả khách tham quan và người dân đia phương,” bà Trang chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phòng lưu trú trên cả nước là 650.0000 phòng, bao gồm khách sạn 3-4-5 sao, căn hộ và biệt thự du lịch. Một loạt các thương hiệu khách sạn quốc tế và nội địa cao cấp và sang trọng đã có mặt tại các thủ phủ du lịch Việt Nam, bao gồm IHG, Accor, Marriott, Hyatt, Reverie, Caravelle, khách sạn Majestic và khách sạn Rex, theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam.

Tuy nhiên, công suất phòng trung bình chỉ đạt khoảng 52% cho thấy sự đối nghịch giữa tỷ lệ lấp đầy phòng vào mùa cao điểm so với mùa thấp điểm hoặc giữa cuối tuần và ngày trong tuần. Để giảm tải cho các mùa “nóng” và thúc đẩy du lịch trái mùa, Cushman & Wakefield vừa ghi nhận một số xu hướng mà các nhà điều hành khách sạn có thể áp dụng:

Staycation, hay còn gọi là du lịch tại chỗ: Quay lại hơn nửa năm trước, trong lúc thị trường khách quốc tế vẫn đóng băng, điểm dừng đầu tiên trên con đường phục hồi của ngành khách sạn và du lịch chính là thị trường khách nội địa.

Các chuỗi khách sạn, nhà hàng trong nước đã kịp thời tung ra các chương trình khuyến mãi trọn gói, trợ giá và nhận được phản hồi tích cực với một bộ phận lớn người dân đã chọn đi đến những khu vực gần với địa phương của mình để nghỉ dưỡng.

Sau khi tình hình dịch đã ổn định, loại hình này vẫn được ưa chuộng bởi các gia đình muốn đi nghỉ dưỡng nhanh gọn, các ban trẻ ưa “xê dịch” cần thay đổi không gian làm việc và các cặp đôi muốn tìm không gian riêng lãng mạn.

Từ khóa “staycation” hiện vẫn được quảng bá bởi các chuỗi khách sạn lớn, chứng tỏ đây không chỉ là trào lưu nhất thời mà là một nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như một giải pháp lấp đầy hiệu quả mùa thấp điểm cho doanh nghiệp.

Du lịch Việt Nam bật tăng mạnh sau 2 năm bị dồn nén do đại dịch Covid-19 ảnh 2

Sự kiện doanh nghiệp kết hợp du lịch (MICE) là loại hình thu hút được rất nhiều sự quan tâm của chủ đầu tư và nhà điều hành khách sạn. Loại hình này cần có một không gian đủ lớn với sự tổ chức bài bản cho toàn bộ quá trình di chuyển, ăn uống và lưu trú nhiều ngày cho tập thể doanh nghiệp lớn Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục mảng ngách này, với nhiều chuỗi khách sạn, khu du lịch có vị trí đẹp, gần biển với quy mô lên đến hàng nghìn phòng.

Nhu cầu cho loại hình MICE đang tăng trưởng, đến từ cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tổ chức Du lịch Thế giới đã dự báo đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD.

Du lịch kết hợp sự kiện thể thao: Một xu hướng mới được chú ý trong thời gian vừa qua nổi bật là bộ môn chạy bộ và đạp xe. Hai quý đầu năm 2022 đã chứng kiến các giải chạy nối đuôi nhau tổ chức mỗi cuối tuần ở nhiều địa danh khác nhau, quy tụ hàng ngàn đến chục ngàn vận động viên tham gia từ mọi miền đất nước.

Sau sự kiện, nhiều vận động viên lựa chọn ở lại khám phá, nghỉ dưỡng ở khu vực tổ chức giải hết cuối tuần trước khi quay lại với công việc. Mới đây, theo Tổng cục Thống kê, sự kiện SEA Games 31 đã thành công trong việc thu hút nhiều đoàn khách quốc tế và nội địa đến tham quan và theo dõi các trận đấu, đóng góp doanh thu cho ngành du lịch.

Du lịch đánh golf: Bộ môn đánh golf, vốn được xem là bộ môn “quý tộc” kén người chơi. Trào lưu golf đang nở rộ khắp châu Á, theo đó là sự tăng trưởng trong nhu cầu du lịch đánh golf. Đây là loại hình được ngành du lịch Thái Lan chú trọng quảng bá, và đã mang đến doanh thu hơn 11 tỷ USD cho nước này vào năm 2020, theo Reuters.

Khách chơi golf sẵn sàng chi tiêu cao để mua gói dịch vụ cao cấp trọn gói từ vài ngày đến một tuần để nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf. Với lợi thế thời tiết thuận lợi và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh “miếng bánh golf” với các nước trong khu vực.

Destination wedding là mô hình du lịch đám cưới kết hợp với trăng mật, một xu hướng từ lâu rất được các cặp đôi phương Tây ưa chuộng, và trào lưu này đang nở rộ tại nước ta. Thông thường đám cưới sẽ được tổ chức tại một khu nghỉ dưỡng, khách mời sau khi tham dự hôn lễ sẽ ăn tiệc và nghỉ ngơi ngay tại chỗ.

Trong văn hóa Á Đông, cưới hỏi là sự kiện vô cùng quan trọng và các gia đình không tiếc tay chi tiền cho một hoặc thậm chí nhiều ngày lễ cưới hoàn hảo. Do đó, loại hình này cần sự chuyên nghiệp và sáng tạo cực kỳ cao để đáp ứng nhu cầu, thật sự tạo ra một buổi lễ trang trọng, có ý nghĩa cho cả cặp đôi và quan khách.

Để giảm đặc tính thời vụ, ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang tăng cường xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí tích hợp như công viên văn hóa, công viên nước, suối nước khoáng nóng giúp kéo dài thời gian lưu trú và thu hút du khách xuyên suốt cả năm.

“Tiềm năng thị trường nội địa vẫn còn dư địa rất lớn, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, giúp đẩy mạnh nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng trong người dân. Chúng tôi tin rằng ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022”, bà Trang Bùi nhận định.

Xem thêm

Dòng vốn chính là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch Việt

Dòng vốn chính là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch Việt

Trạng thái “bình thường mới” với những nghị quyết, thông tư của Chính phủ và các bộ/ngành đã mở ra nhiều tín hiệu khả quan cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển, du lịch vẫn cần được tiếp thêm động lực là các yếu tố đồng thuận chung của thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...