Dữ liệu kinh tế mới thúc đầy đà tăng tích cực trên Phố Wall

S&P 500 và Nasdaq đạt mức đóng cửa cao nhất trong 14 tháng sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng Năm, thúc đẩy niềm tin Cục Dự trữ Liên bang sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp ngày mai…

Chỉ số S&P 500 tăng 0,69% lên 4.369,01 điểm, Nasdaq tăng 0,83% lên 13.573,32 điểm, trong khi Dow Jones tăng 0,43% lên 34.212,12 điểm.

10 chỉ số của 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều tăng, dẫn đầu là vật liệu tăng 2,33%, tiếp theo là công nghiệp tăng 1,16%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 1,2% lên mức cao nhất trong ba tháng.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc đã tăng sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng. Tập đoàn Alibaba tăng 1,9% và JD.com cao hơn 3,5%.

Phố Wall

Điểm chuẩn S&P 500 đã phục hồi khoảng 22% từ mức đóng cửa thấp nhất vào tháng 10/2022, phần lớn nhờ vào sự gia tăng của các cổ phiếu nặng ký trên thị trường như Apple Inc, Nvidia Corp và Tesla Inc.

Cụ thể, cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong S&P 500 là Tesla Inc, tăng 3,55% với 40,8 tỷ USD giá trị cổ phiếu được trao đổi trong phiên. 

Nvidia ghi nhận mức tăng 3,9%, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên kết thúc phiên giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường trên 1 nghìn tỷ USD sau khi đối thủ Advanced Micro Devices đưa ra bản cập nhật về chiến lược trí tuệ nhân tạo nhưng không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư. Cổ phiếu AMD giảm 3,6%.

Intel Corp thêm 2,5% do có báo cáo cho rằng nhà sản xuất chip này đang đàm phán với công ty Arm của SoftBank Group để trở thành nhà đầu tư chủ chốt trong đợt phát hành IPO sắp tới. 

Trong khi đó, Oracle đã báo cáo kết quả hàng quý vượt qua ước tính của Phố Wall về lợi nhuận, đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây trước nhu cầu do AI thúc đẩy. Deutsche Bank đã nâng mục tiêu đối với Oracle từ 121 USD lên 135 USD. 

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,4% trong tháng 4, với lạm phát cơ bản không đổi ở mức 0,4%.

Trên cơ sở hàng năm, lạm phát tiêu đề tăng ít hơn ước tính ở mức 4%, phản ánh sự giảm giá của các sản phẩm và dịch vụ năng lượng, bao gồm cả xăng và điện.

Liz Young, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại SoFi cho biết: “Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tìm kiếm dữ liệu để chỉ ra rằng “Chúng ta sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6”, thì tôi nghĩ họ đã tìm được nó ngày hôm nay”.

Các thị trường định giá 95% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức 5% -5,25% vào thứ Tư và 62% tin vào khả năng Fed sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 7, theo công cụ CME Fedwatch.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng hơn 3% vào 13/6 do hy vọng về nhu cầu nhiên liệu sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng. Việc cắt giảm lãi suất nhằm mục đích tạo thêm động lực cho sự phục hồi còn do dự sau đại dịch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất.

Dầu thô Brent tăng 2,45 USD, tương đương 3,4%, lên 74,29 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,30 USD, tương đương 3,4%, ở mức 69,42 USD/thùng.

“Thị trường đang cho thấy sự hồi phục từ ngày hôm qua,” Phil Flynn, nhà phân tích tại nhóm Price Futures, cho biết. 

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/6, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, trái với ước tính trung bình về mức giảm 1,3 triệu thùng của 5 nhà phân tích được Reuters thăm dò.

Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 ổn định trong tháng thứ tư, làm tăng nhẹ kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc.

Một báo cáo hàng tháng khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Tư sẽ cung cấp thêm tín hiệu giao dịch.

Có thể bạn quan tâm