Đường sắt Việt Nam: “Tư nhân hóa” đất vàng?

Cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong quản lý, sử dụng, đầu tư quỹ đất đai rộng lớn. Một số khu đất “vàng” đã nhanh chóng được đem
Đường sắt Việt Nam: “Tư nhân hóa” đất vàng?

Tổng công ty Đường Sắt quản lý kém hiệu quả lô đất vàng 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, sau đó lại muốn "sang tay" cho đối tác tư nhân

Ngày 26/8, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận thanh tra toàn diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với 4 nhóm sai phạm nổi cộm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên. Dù sở hữu hệ thống hạ tầng đường sắt, quỹ đất đai trải khắp cả nước, được hưởng ưu đãi nhưng VNR nhiều năm liên tục hoạt động kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả, trì trệ, làm thất thoát vốn, lãng phí.

“Vẽ” dự án cao ốc

Cũng như các doanh nghiệp nhà nước lớn bị TTCP “sờ gáy”, tại Đường sắt Việt Nam đã phát lộ nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng, đầu tư đất đai. Thay vì tập trung nguồn lực cho phát triển kinh doanh đường sắt trì trệ lâu nay, VNR lại “hăm hở” đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản. TTCP kết luận việc VNR góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại số 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rộng 1.000 m2 là trái quy định.

Trước đó, tháng 1/2013, VNR có chủ trương góp hai lô đất này và quyền thuê đất để lập công ty mới đầu tư khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn là công ty TNHH MTV Hà Thành – doanh nghiệp lại chưa có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn.

Mặc dù Bộ GTVT chỉ đạo phải xây dựng phương án thành lập pháp nhân, phương án đầu tư, song VNR lại “vội vã” ký thoả thuận hợp tác đầu tư với công ty Hà Thành, tiến hành định giá tài sản, lập công ty, bàn giao đất… Sau đó, công ty mới ra đời, liên tục hoạt động thua lỗ. Điều kỳ lạ là khu đất “vàng” nằm ở trung tâm thủ đô này được Hội đồng thành viên quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng, thấp hơn số 67,4 tỷ đồng theo chứng thư định giá.

Suốt ba năm qua, dự án này vẫn chưa triển khai thì VNR lại có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác. Nói cách khác, việc hợp tác kinh doanh với đối tác chỉ là chiêu bài để chuyển tài sản nhà nước sang tay tư nhân. TTCP cũng nêu rõ: "VNR đã xem thường lợi ích của Nhà nước, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”…

Thời gian qua, VNR cũng có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án bất động sản hoành tráng tại những khu đất do tổng công ty quản lý, đơn cử: dự án cao ốc tại số 2 Yersin rộng 12.000 m2 (tại Tp.Nha Trang), dự 31 Láng Hạ (Hà Nội) rộng hơn 10.000 m2, dự án cao ốc 136 Hàm Nghi, Tp.HCM rộng hơn 2.700m2…

Riêng tại dự án số 31 Láng Hạ, VNR đã lựa chọn đối tác hợp tác đầu tư là tập đoàn Sungroup với quy mô công trình cao 27 tầng. Tổng vốn đầu tư dự án này lên tới 2.732 tỷ đồng. Hai bên góp vốn lập pháp nhân mới có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, trong đó, VNR góp vốn bằng giá trị quyền đầu tư (giá trị lợi thế thương mại - thương quyền sử dụng đất) khoảng 415 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ góp 23% vốn điều lệ. Với thực trạng sai phạm quản lý đất đai ở VNR, liệu tài sản khu đất “vàng” số 31 Láng Hạ có được thực sự đầu tư hay một ngày không xa sẽ được “sang tay” lại cho đối tác?

Xử lý nghiêm sai phạm

Không chỉ hoạt động đầu tư dự án bất động sản có sai phạm, trái luật, mà nhiều năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng có cách quản lý sử dụng quỹ đất rộng lớn một cách dễ dãi. Theo kết luận của TTCP, VNR và các công ty con đã cho thuê 200.000 m2 trái với mục đích sử dụng. Đơn cử, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã cho 52 tổ chức cá nhân thuê hơn 55.000 m2_đất trái mục đích để làm nhà xưởng, kho, kinh doanh.

Hơn nữa, đất đai đã bị lấn chiếm, cấp đất sai quy định cho hàng trăm cán bộ nhân viên, nợ thuế đất ở các công ty con rất lớn… Quá trình thanh tra, TTCP kết luận VNR đã buông lỏng quản lý, vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao mà kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả. VNR đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có ba dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 – 2009).

Tổng công ty này đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách. Nhất là dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường… Từ kết luận 4 nhóm sai phạm lớn nêu trên, TTCP đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với những sai phạm trên. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm với tổng số tiền 131 tỷ đồng.

Theo Hải Hà/TBKD

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…