Phạm vi nghiên cứu gồm các khu vực phụ cận trong vùng ảnh hưởng của Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen: Hồ Dầu Tiếng; Tòa thánh Tây Ninh; Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát; các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát; kết nối với các tuyến du lịch quốc tế đi Campuchia và các nước trong mối liên hệ vùng.
Mục tiêu được đặt ra là phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; kết nối không gian với các khu du lịch trọng điểm khác trong tỉnh; định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen...
Theo dự báo, quy mô khách đến năm 2025 đạt khoảng 4 – 5 triệu lượt khách; đến năm 2035 đạt từ 6,1 – 7,1 triệu lượt khách và quy mô lao động khoảng 4.000 người.
Định hướng hình thành các không gian chức năng của khu du lịch với yêu cầu quản lý về tầng cao không quá 3 tầng, đảm bảo yêu cầu phát triển và bảo tồn của Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, phù hợp và tôn trọng điều kiện địa hình, tự nhiên của khu vực.
Các khu chức năng phục vụ du lịch gồm: Khu tâm linh, di tích; khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại và dịch vụ du lịch trên đỉnh núi; khu lưu trú, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Phụng và núi Đất; các khu chức năng du lịch sinh thái quanh chân núi.
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2018, Khu du lịch Núi Bà Đen đã đón 1,86 triệu lượt khách, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ được đầu tư thêm dịch vụ cáp treo, máng trượt đã tạo thuận lợi cho du khách viếng chùa, ngắm cảnh nên hiện có sức thu hút đông du khách nhất ở Tây Ninh hiện nay.
Trước đó, tháng 6/2018 UBND tỉnh Tây Ninh Quyết định phê duyệt 5 dự án mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối giữa các tỉnh lân cận với khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen. Tổng nguồn vốn cho các dự án này là 1.715 tỷ đồng.