ECB bất ngờ tăng lãi suất sau 11 năm

Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lên 0,5 điểm phần trăm, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong khu vực đồng Euro lần đầu tiên sau 11 năm.
ECB bất ngờ tăng lãi suất sau 11 năm

Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trước đó do lạm phát trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro đã ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Lãi suất cơ bản tăng thêm 0,5 điểm phần trăm được kỳ vọng là sẽ kiềm chế lạm phát, đồng thời củng cố vị thế của đồng Euro mà trong tuần trước đã có lúc xuống giá ngang với đồng USD.

"Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ vẫn sẽ ở mức cao không mong muốn trong một thời gian nữa, do áp lực từ giá năng lượng và giá thực phẩm. Áp lực lạm phát còn cao hơn, cũng còn do biến động của tỷ giá hối đoái đồng Euro", bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu cho hay.

Tăng lãi suất tạo thêm áp lực cho nợ công, đặc biệt là tại các nước phía Nam châu Âu vẫn phải vay tiền với lãi suất cao hơn các nước có ngân sách vững chắc như Hà Lan và Đức. Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, trong trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ các quốc gia mắc nợ nhiều hơn của khối bằng một kế hoạch mua trái phiếu, nới lỏng tiền tệ, dành riêng với các nước này.

Bà Christine Lagarde nói: "Kế hoạch mua trái phiếu có chọn lọc là một phần bổ sung cho bộ công cụ, có thể được kích hoạt nhằm chống lại các động lực làm cho thị trường mất trật tự một cách không chính đáng, đe dọa chính sách tiền tệ chung. Trong trường hợp được kích hoạt, kế hoạch này sẽ tránh can thiệp vào lập trường chính sách tiền tệ quốc gia. Chúng tôi sẽ giải quyết các tác động của việc mua trái phiếu đối với toàn khối, đối với chính sách tiền tệ, tình hình nợ công, danh mục đầu tư chứng khoán, cũng như lượng thanh khoản vượt mức".

Chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục và sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của tình hình kinh tế. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu là đưa tỷ lệ lạm phát tại các nước tiêu đồng Euro trở lại mức 2%.

Sau động thái mới nhất của ECB, các thị trường tài chính quốc tế đã có những phản ứng tương đối tích cực.

Tại châu Âu, phần lớn các sàn chính đã đóng cửa trong sắc xanh, với chỉ số tổng hợp khu vực Stoxx 600 tăng khoảng 0,4%, khi bước đi mạnh tay của ECB được đánh giá là phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Đồng Euro cũng đã tăng nhẹ so với đồng bạc xanh, vượt ngưỡng 1 Euro đổi 1,02 USD. Hiệu ứng tích cực cũng đã lan tới bờ bên kia Đại Tây Dương, kết hợp cùng mùa báo cáo quý II khả quan, giúp 3 chỉ số chính đồng loạt tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp, dẫn đầu là Nasdaq với mức tăng trên 1,3%.

Cụ thể, chốt phiên 21/7, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,4% lên 12.059,61 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 32.036,90 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 3.999 điểm.

Giá dầu thế giới cũng giảm hơn 3 USD/thùng trong phiên giao dịch 21/7, giữa bối cảnh dự trữ xăng của Mỹ tăng và việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng.

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 3,53 USD (3,5%), xuống 96,35 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3,06 USD (2,9%), xuống 103,86 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều mất hơn 5 USD/thùng vào đầu phiên.

Giá dầu thế giới cũng giảm hơn 3 USD/thùng giữa bối cảnh dự trữ xăng của Mỹ tăng và việc ECB nâng lãi suất
Giá dầu thế giới cũng giảm hơn 3 USD/thùng giữa bối cảnh dự trữ xăng của Mỹ tăng và việc ECB nâng lãi suất

Với bước đi lần này, ECB đã trở thành ngân hàng trung ương mới nhất có động thái thắt chặt tiền tệ trong năm nay. Một thống kê từ Bloomberg cho thấy có tới 80 cơ quan ngân hàng trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất từ đầu năm - một con số kỷ lục, trong đó có những tên tuổi lớn như Fed hay BOE, khi mà "cơn bão" lạm phát đang quét qua toàn cầu.

Như tại khu vực Eurozone, giá tiêu dùng hiện đã tăng cao gấp 4 lần mức mục tiêu của ECB. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, ECB đang hành động quá chậm, trong khi nguy cơ đình lạm - tức vừa lạm phát vừa giảm tốc kinh tế là rõ ràng.

Một chuyên gia từ CNBC cho rằng "không có ngân hàng trung ương ở một thị trường phát triển nào ở vị trí tệ hơn là ECB lúc này". Nhưng dù sao hành động mạnh tay lúc này vẫn còn hơn là tiếp tục chậm trễ.

Ông Carsten Brzeski - Chuyên gia phân tích vĩ mô, Tập đoàn Tài chính ING cho biết: "ECB có lẽ là ngân hàng trung ương lớn sau cùng đưa ra phản ứng với lạm phát. Ở thời điểm hiện tại khi lạm phát đã tăng vọt trong cả năm thì nguy cơ suy thoái vào tháng 9 đã hiển hiện và cơ hội để ECB hành động không còn nhiều bởi vậy họ đã quyết định tức thì, tăng 50 điểm cơ bản để chấm dứt thời kỳ lãi suất âm".

Xem thêm

6 tháng lực lượng Công an phát hiện, điều tra 191 vụ phạm tội về buôn lậu, 31 vụ trốn thuế

6 tháng lực lượng Công an phát hiện, điều tra 191 vụ phạm tội về buôn lậu, 31 vụ trốn thuế

Thời gian qua lực lượng Công an toàn quốc đã phối hợp các đơn vị chức năng thuộc ngành Hải quan, Quản lý Thị trường, lực lượng Bộ đội biên phòng xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...