Thúc đẩy sử dụng xe điện hiện đang là chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết COP26. Tuy nhiên, các chính sách ưu đã phát triển xe điện hiện nay đang nằm tản mát ở các văn bản khác nhau, hoặc gộp chung vào trong ưu đã phát triển ô tô.
Như Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được Bộ Tài chính triển khai thực hiện từ năm 2020. Theo đó, các doanh nghiệp được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Chính sách này được dự báo sẽ giúp VinFast tiết kiệm được hàng triệu USD từ miễn thuế. Nhưng các doanh nghiệp khác như Toyota, Honda, Mazda, Kia, Hyundai, Mitsubishi... cũng đều đáp ứng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi.
Hay Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định mặt hàng ô tô điện có mức thuế suất thấp hơn so với ô tô động cơ đốt trong cùng khả năng chuyên chở hoặc số chỗ ngồi. Hoặc ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế TTĐB cũng phải đáp ứng yêu cầu về sản lượng tối thiểu là 250 chiếc/năm, áp dụng đối với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, xe tải, xe minibus; xe buýt/xe khách.
Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô điện là một chính sách được các hãng xe điện trong nghênh, nhưng lại khiến các doanh nghiệp sản xuất xe hybrid “cảm thấy” thiệt thòi. Tháng 8/2022, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề nghị Chính phủ xem xét giảm lệ phí trước bạ với dòng xe hybird như HEV, PHEV, nhưng đến nay chưa được chấp thuận.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi của Việt Nam để phát triển xe điện chưa thực sự hấp dẫn so với các quốc gia khác ở Bắc Âu, châu Mỹ và kể cả Thái Lan. Các ưu đãi thường ở ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế phí liên quan cho các dòng xe.
Ngay trong khu vực ASEAN, một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia đang áp dụng chính sách thuế ưu đãi cho sản xuất xe điện.
Như tại Thái Lan, các dự án đầu tư sản xuất xe BEV (xe điện hoàn toàn) sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5-8 năm cho. Đối với các nhà sản xuất, nếu sản xuất được từ linh kiện chính thứ 2 của xe điện sẽ được miễn thuế thêm một năm cho linh kiện tiếp theo nhưng không quá 10 năm.
Các nhà sản xuất PHEV (xe Hybrid sạc ngoài) được ưu đãi ít hơn là 3 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị....
Do đó, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, lĩnh vực sản xuất phương tiện chạy bằng điện nên được khuyến khích và hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao - tương đương với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, mức thuế mà ông Gabor Fluit đưa ra là thuế suất ưu đãi 10% sẽ áp dụng trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Ông Gabor Fluit lý giải, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế.
Trong khi đó, doanh nghiệp thường chưa có lãi trong vài năm đầu, nên sẽ cần hình thức ưu đãi trực tiếp hơn, như ưu đãi hỗ trợ về mặt chi phí.
Về các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện (ví dụ ô tô điện, cần đầu tư nghiên cứu phát triển lớn, chi phí ban đầu cao, thời gian thu hồi vốn dài, nhưng lại là ngành công nghiệp đột phá trên thế giới, có tiềm năng kinh tế cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Lĩnh vực này đang và dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kéo theo sự phát triển của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh, phụ kiện, theo đó có tiềm năng đóng góp quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, về mặt môi trường, phương tiện chạy bằng điện đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế khí thải ra môi trường. Lĩnh vực này cũng rất phù hợp với chiến lược phát triển xanh của Việt Nam cũng như việc thực hiện các cam kết COP26.